Loading...

Gặp gỡ gương mặt “Nhà khoa học trẻ” tài ba của Wellspring - Phan Ngọc Thùy Dương

Trường THPT Wellspring vô cùng tự hào khi nhận được tin vui, WISHers Phan Ngọc Thùy Dương, hiện đang theo học Khối 9 Khoa Quốc tế ,là một trong những đại diện của Việt Nam nhận được hai Giải Đồng cuộc thi Nhà Khoa học trẻ Châu Á - Asean+3 Junior Science Odyssey (APT JSO) với những dự án khoa học có ý nghĩa.


 

Hội trại APT JSO tập trung chủ yếu vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời phát triển kỹ năng làm việc theo nhóm và kỹ năng trình bày thông qua thực hiện các dự án hợp tác cho các tài năng khoa học độ tuổi thiếu niên. Mục đích của cuộc thi là tạo cơ hội trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm cho các học sinh tài năng khoa học; phát triển khả năng nghiên cứu và sáng tạo cho học sinh tài năng khoa học; tìm kiếm nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trong ASEAN và các nước đối tác.

 

Thử thách đặc biệt khi phối hợp đồng đội tại một cuộc thi quy mô lớn

Thùy Dương chia sẻ đây là lần thứ tư bạn tham gia vòng Chung kết Quốc tế của một kì thi khoa học, trải dài từ những năm đầu tiên của cấp 2 đến những năm đầu cấp 3. Tuy nhiên với Dương, lần đi thi APT JSO này lại khác, bởi đây là một cuộc thi có quy mô lớn, chuyên nghiệp và thay vì thi đơn, bạn được ghép đội với hai thí sinh đến từ trường khác. 

“Hai anh từ trường Nguyễn Tất Thành đều rất giỏi, vì thế lúc đầu em cũng căng thẳng và có đôi chút hơi lo lắng và hồi hộp. Tuy đây không phải lần đầu được giải ở một vòng Chung kết Quốc tế, nhưng lần này em “vui” muốn khóc luôn vì đề thi không chỉ phức tạp mà còn lệch hẳn thế mạnh của mình. Thế nên ngay từ lúc đầu, em đã chuẩn bị sẵn tâm lý là làm hết mình. Rất may mắn là qua 4 ngày thi đấu thì em và 2 anh đã cùng nhau mang được về hai giải đồng cho tuyển Việt Nam. Em chỉ hơi tiếc một chút vì chưa đổi được màu huy chương cho bản thân và đội” - Thùy Dương bày tỏ về cảm xúc sau cuộc thi.

 

Không chỉ phối hợp với các đồng đội tại Việt Nam, ở phần thi Dự án nhóm liên ngành (Interdisciplinary Group Project), Dương phải trải qua một thử thách “khó nhằn” hơn khi cùng 5 bạn từ 5 Quốc gia khác nhau thuyết phục ban giám khảo cũng như các đội khác. Nhóm của Thùy Dương lựa chọn chủ đề sự ô nhiễm nhựa của môi trường nước. Ở phần thi này, các bạn cùng đưa ra các nghiên cứu về ô nhiễm nhựa, giải pháp khoa học để giảm thiểu nhựa, và gợi ý một số sản phẩm tốt ví dụ như beeswax wraps. 

 

“Phần này là một trong những phần em lo nhất khi mới bắt đầu cuộc thi. Thứ nhất, nó rơi vào ngày thứ ba, khi chúng em đã phải trải qua rất nhiều vòng thi kiến thức căng thẳng khác, em sợ mình sẽ bị đuối sức. Thứ hai, chúng em đến từ 6 Quốc gia khác nhau, đội em còn có một bạn sinh sống ở Thụy Điển, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn về múi giờ, giao tiếp, ngôn ngữ. Thứ ba, chúng em chỉ có một đêm duy nhất để hoàn thành cả phần nghiên cứu và phần powerpoint, với giới hạn thời gian là một khái niệm rất đáng sợ trong việc nghiên cứu, vì vậy em cùng các bạn không thể tránh khỏi tâm lý căng thẳng” - Thùy Dương cho biết.



 

Ý tưởng đột phá của nhà khoa học trẻ và những kỷ niệm khó quên

Trong phần dự án nghiên cứu về màu tự nhiên thay thế màu công nghiệp nhằm giảm ô nhiễm nguồn nước, Thùy Dương bày tỏ rằng đã có nhiều lúc gặp khó khăn trong việc đổi mới ý tưởng, bởi màu nhuộm tự nhiên là đề tài đã có từ trước. Tuy nhiên, đội của bạn đã nghiên cứu rất nhiều về mức tiêu thụ nước, khả năng bám màu cũng như cách để đa dạng hóa màu sắc. Dương cho biết đây là phần phần hay nhất của dự án khi bạn đã tìm ra được rất nhiều cách mới để ứng dụng dự án vào đời sống thường nhật. Hiện tại, Dương và đồng đội vẫn đang cố gắng phát triển và tiếp tục tìm hiểu để có thể nhuộm được nhiều màu hơn, với các họa tiết bắt mắt phù hợp hơn với ngành công nghiệp thời trang. 

 

Trong quá trình thực hiện dự án, Thùy Dương đã có những kỷ niệm đáng nhớ với đồng đội “Có lần chúng em sử dụng nghệ để thử nhuộm màu vàng-cam (vì em và hai anh đều thích màu áo polo của Wellspring), thì cả ba anh em đều quên không đeo găng tay lúc thái nghệ, sau đó thì tay của chúng em vàng ươm y như những củ nghệ tươi. Một lần nữa là chúng em muốn thử nghiệm giảm và tăng độ pH của dung dịch nhuộm, với mong muốn sẽ điều hòa được các sắc của màu, thì trong lúc lấy acid acetic để pha vào dung dịch bị đổ một chút lên người, và thế là cả ngày hôm đó em được gọi là Dương “Giấm” vì cả người em toàn mùi acid acetic (giấm). Sau hơn hai tháng được làm việc cùng các anh và các chuyên gia, em cảm thấy mình đã học hỏi được rất nhiều, cả về cách giải quyết một bài toán khoa học, kiên trì theo đuổi một ý tưởng và kiểm soát cảm xúc khi gặp những vấn đề cần sự bình tĩnh và kiên định”.

 

Thùy Dương (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội nghiên cứu về màu nhuộm vải tự nhiên

 

Kết thúc cuộc thi, cô gái tài năng đến từ Trường THPT Wellspring chia sẻ “Em sẽ không bao giờ quên được việc cùng các bạn thức đến 2-3h sáng để hoàn thành nốt powerpoint và bản phác thảo, cùng nghiên cứu bằng các thứ tiếng khác nhau, cùng giải thích cho nhau hiểu khi có những bất đồng quan điểm. Chúng em đã rất vui khi cùng giao lưu văn hóa, cùng chia sẻ những nỗi lo lắng của bản thân và cùng động viên nhau để hoàn thành nốt chặng cuối của cuộc thi. Điều này theo em là quý giá nhất, bởi khi kết thúc cuộc thi thì những kí ức đẹp này sẽ truyền cảm hứng cho em để theo đuổi giấc mơ của bản thân, cũng như là tiếp tục tham gia nhiều cuộc thi hơn nữa”. 

 

Chúc mừng Phan Ngọc Thùy Dương và chúc bạn sẽ gặt hái thật nhiều thành công, tiến xa hơn nữa trên con đường khám phá khoa học!