Loading...

WIS Conference - WISHers THPT trở thành Nhà ngoại giao thảo luận các vấn đề toàn cầu giữa đại dịch COVID-19

Thông qua các phiên thảo luận của hai hội đồng WHO và UNDESA, học sinh hai lớp 10ADN1 & 10ADN2 đã thảo luận các vấn đề nóng về kinh tế, y tế và xã hội giữa đại dịch COVID-19 nhằm đưa ra những giải pháp thực tiễn mang tính toàn cầu trong hội nghị WIS Conference.

Được truyền cảm hứng bởi MUN, WIS Conference #4 là hội nghị mô phỏng hoàn toàn bằng tiếng Anh, gồm 02 hội đồng diễn ra song song:

Hội đồng: Vụ Liên Hiệp Quốc về Kinh tế và Xã hội (UNDESA - United Nations Department of Economic and Social Affairs) với chủ đề “Ngăn chặn đói nghèo do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19”.

Hội đồng: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - World Health Organization) với chủ đề “Đảm bảo các dịch vụ y tế thiết yếu trong đại dịch COVID-19”.

Trải nghiệm hoạt động học thuật Quốc tế thông qua Hội nghị mô phỏng

Cô Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Hiệu trưởng, Phụ trách Khoa Quốc tế trường THPT Wellspring cho biết, để tham gia WIS Conference, các em học sinh đã có 4 tuần để chuẩn bị trong các tiết ESL (English as the second language - Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai). Tuần 1, học sinh được giới thiệu về những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, tìm hiểu và thảo luận một số vấn đề toàn cầu mang tính chất thời sự và học sinh là người chọn lựa chủ đề để thảo luận trong hội nghị WIS Conference. Ở tuần 2 và tuần 3, bên cạnh việc học sinh được truyền cảm hứng về công tác ngoại giao thông qua các video hội nghị MUN, các WISHers có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề y tế, giáo dục, kinh tế và xã hội. Trước khi tham gia vào phiên họp chính thức, các đại biểu tương lai được trải nghiệm 2 mock conference (phiên họp trù bị) để nắm được tiến trình hội nghị, luyện tập phong thái và ngôn ngữ ngoại giao.

Cô Thu Trang nhấn mạnh, WIS Conference được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức và tư duy của học sinh về những vấn đề toàn cầu, phát triển kỹ năng tư duy phản biện và suy nghĩ hướng giải quyết vấn đề.

Chuẩn bị cho WIS Conference, trong vai trò Đại biểu Quốc gia, học sinh cần tìm hiểu về vấn đề cụ thể của một đất nước, tìm hiểu những hành động của Quốc gia đó liên quan đến chủ đề, nghiên cứu các văn bản Quốc tế về Công ước Ngoại giao và chính sách của Quốc gia mà mình đại diện. Trên cơ sở đó, mỗi đại biểu cần viết và hoàn thiện Position paper (Bản tuyên cáo về lập trường Quốc gia) và đứng trên lập trường Quốc gia để tìm kiếm giải pháp chung.

 

Học sinh phát triển toàn diện

Với hai chủ đề là “Ngăn chặn đói nghèo do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19” và “Đảm bảo các dịch vụ y tế thiết yếu trong đại dịch COVID-19”, các đại biểu đến từ lớp 10ADN1 và 10ADN2 đã chia sẻ những nỗi lo ngại về đại dịch ảnh hưởng sâu sắc đến các Quốc gia: suy thoái kinh tế, thất nghiệp, quá tải hệ thống y tế…

Thầy Phạm Minh Hiếu - Giáo viên Khoa Quốc tế, một trong hai Chủ tọa của Hội đồng UNDESA (Vụ Liên Hợp Quốc về các vấn đề Kinh tế - Xã hội) bày tỏ sự ngạc nhiên khi rất nhiều học sinh trầm tính trước khi bước vào Hội nghị mô phỏng, đã tranh luận sôi nổi với các Đại biểu để tìm kiếm giải pháp chung nhằm đẩy lùi đại dịch nhưng vẫn hài hòa với lợi ích nước mình.

Thầy Minh Hiếu đánh giá, WIS Conference là sự kiện mà học sinh có thể phát triển toàn năng, trước tiên là kỹ năng nghiên cứu bởi các em cần đọc rất nhiều tài liệu, đánh giá đâu là tài liệu chủ quan và khách quan. Ngoài tài liệu trên Wikipedia, học sinh cần đọc các tài liệu từ các trang chính thống như .org, các trang của Quốc gia như .uk, .vn, v.v. Sau khi có nền tảng kiến thức, học sinh cần thực hành thuyết trình, tranh biện và kỹ năng giải quyết vấn đề dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng sự đa dạng văn hóa và khác biệt về quan điểm.

Học sinh Nguyễn Hải Linh 10ADN1 chia sẻ: “Con đã lo lắng trước khi buổi WIS Conference diễn ra, để bình tĩnh hơn, con ôn lại những gì thầy cô giáo hướng dẫn, tìm hiểu thật nhiều các thông tin để tăng kiến thức xã hội. Con đã đọc về đất nước mà con làm Đại biểu là Nam Phi, nhận thấy đây là một đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị, nên con nghĩ cần tìm các nguồn vốn tài trợ từ các Quốc gia khác”.

Mặc dù là học sinh khối 10 lần đầu tham gia WIS Conference nhưng với nền tảng kiến thức địa lý, lịch sử về các Quốc gia cùng các kỹ năng mềm được xây đắp từ các lớp học cấp dưới, cùng khả năng tiếp thu, chủ động, các bạn học sinh đã đưa ra các thông tin và con số cụ thể để thuyết phục Chủ tọa Hội đồng. Các thầy cô Khoa Quốc tế kỳ vọng, trong mùa WIS Conference tới, học sinh sẽ nhạy bén với thông tin hơn, nghiên cứu sâu hơn để có cái nhìn tổng quan, chi tiết hơn, tìm hiểu về Quốc gia của mình, hiểu về các Quốc gia khác, bao gồm đồng minh lẫn đối thủ để đưa ra giải pháp tốt nhất cho Quốc gia mình cũng như cho toàn bộ các Quốc gia thành viên.

Một tin vui cho học sinh Wellspring, bên cạnh ngôn ngữ tiếng Anh, mùa WIS Conference tới sẽ được mở rộng cả ngôn tiếng Việt, tất cả các học sinh trường THPT Wellspring đều có cơ hội trải nghiệm Hội nghị mô phỏng để tăng khả năng giao tiếp, trình bày mạch lạc các vấn đề toàn cầu. Trân trọng những kiến thức, kỹ năng và kỷ niệm từ WIS Conference, mỗi WISHers sẽ là những nhà ngoại giao tương lai, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.