Loading...

Thay đổi phương pháp đánh giá kết quả học tập thế nào cho phù hợp với việc học online?

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã ra CV 793/ BGDĐT-GDTrH yêu cầu các địa phương tăng cường dạy học trực tuyến, học trên truyền hình. Bộ cũng cho phép sau khi học sinh đi học trở lại, các trường sẽ xem xét quy đổi một phần chương trình đã giảng dạy trên internet và hoàn thành chương trình còn lại của năm học 2019-2020. Những kết quả học tập online trong dịch Covid-19 cũng sẽ được công nhận, tuy nhiên, cách thức kiểm tra nào đánh giá chính xác và thực chất nhất mức độ tiếp thu của học sinh?

Cách thức đánh giá linh hoạt và gợi mở

Theo quy định về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học của Bộ GD&ĐT, khi học trực tiếp trên lớp cũng như học online, trường Tiểu học Wellspring chủ yếu sử dụng các phiếu kiểm tra, ôn tập và đánh giá bài làm bằng các nhận xét, các sticker “Excellent” và “Good”. Theo cô Lê Thúy Ngà – Hiệu trưởng trường Tiểu học Wellspring cho biết: “Trong thời gian này, việc đánh giá kết quả học online nhằm giúp cho học sinh nâng cao tinh thần học tập và ôn tập, ghi nhớ kiến thức một cách chắc chắn. Ngoài ra, thông qua các trải nghiệm hình thức học tập mới, các con sẽ tăng thêm sự yêu thích, hào hứng và thành thạo việc ứng dụng công nghệ trong học tập.”

Ở cấp học lớn hơn, ngay từ khi chuẩn bị bài giảng online, giáo viên trường Wellspring đã chủ động thiết kế, xây dựng các hoạt động học tập nhằm giúp cho học sinh tiếp thu kiến thức và thực hiện kiểm tra đánh giá một cách hào hứng hơn. Tùy vào đặc thù của từng bộ môn, giáo viên sẽ áp dụng và kết hợp các hình thức thức như trắc nghiệm, tự luận, vấn đáp,…. Ngoài ra giáo viên còn thể hiện sự sáng tạo và linh hoạt bằng cách kiểm tra đánh giá kiến thức khác thông qua bài tập lớn, dự án, thuyết trình, tiểu luận hay các sản phẩm học tập (hình ảnh, infographics, video). 

Do sự giới hạn ở tính tương tác, việc học online vẫn còn một số mặt hạn chế như trong quá trình kiểm tra, học sinh chưa tự giác, trao đổi hoặc nhờ sự trợ giúp từ anh/ chị/ gia sư hay tài liệu sẵn có trên Internet. Để khắc phục tình trạng này một cách tốt nhất, mỗi giáo viên đã đưa ra nhiều hình thức kiểm tra đánh giá, tạo nhiều dạng bài, ra đề mở và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.

Chia sẻ về cách thức đánh giá kết quả học tập của học sinh, thầy Nguyễn Vĩnh Sơn – Hiệu trưởng trường THPT Wellspring cho hay: “Nhà trường đã và đang kết hợp nhiều phương pháp đánh giá khác nhau như phương pháp viết (trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan), phương pháp quan sát, phương pháp vấn đáp … với các hình thức đánh giá bằng nhận xét, bằng điểm số và đánh giá động viên. Điểm đặc biệt trong các phương pháp này là giúp cho mỗi giáo viên có thể linh hoạt hơn, nhận xét chính xác năng lực của từng học sinh trong quá trình học online, chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kĩ năng sang đánh giá năng lực của người học; đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống.”

Ở giai đoạn này, các công cụ học tập online đã hỗ trợ rất nhiều cho việc dạy và học cũng như đánh giá kết quả. Một số nền tảng được thầy và trò trường Wellspring tích cực sử dụng như bộ công cụ hỗ trợ kiểm tra, đánh giá của Microsoft Office 365 (Forms; Sway, Insights, …), bộ công cụ giáo dục Google (Google Form, Google Classroom, Google Sites …), Quizizz, Quizlet, Nearpod … Ngoài ra còn có nhiều công cụ hỗ trợ cho việc đánh giá khác ví dụ như Shub dùng cho việc đánh giá trắc nghiệm, phần mềm sẽ tự chấm điểm cho học sinh, tự phân loại chia tỷ lệ học sinh nào làm tốt, học sinh nào chưa đạt. Từ đó, giáo viên sẽ phân loại, xây dựng và giao trực tiếp bài tập phù hợp cho học sinh. 

Các môn học đạt hiệu quả cao khi học online là môn Toán, Ngữ văn và tổ hợp các môn Tự nhiên. Các thầy cô Wellspring tích cực sử dụng thêm các phần mềm và ứng dụng cho môn học như Geogebra, Desmos, Cabri 3D cũng như thiết kế những hoạt động dự án, hoạt động nhóm thu hút học sinh tham gia… nên các con hào hứng lắm, chủ động học tập hơn và không cảm thấy nhàm chán khi học một mình tại nhà. 

Học sinh làm bài tập dự án, bài tập lớn và trình bày các sản phẩm trên sơ đồ tư duy bằng tranh/ảnh, sử dụng những ứng dụng như canva, powerpoint. Sau đó, học sinh nộp bài làm qua Teams, Google Classroom, Padlet (dùng trong môn Hóa học) và được giáo viên bộ môn tổng hợp để đánh giá, nhận xét. Cụ thể, với môn Văn học, Lịch sử, Địa lý, giáo viên có thể đánh giá mức độ hiểu của học sinh qua những sản phẩm thể hiện sự sáng tạo như thiết kế poster, làm video minh họa. 

Với bộ môn Kỹ năng sống và Thể dục Thể thao, học sinh đã thể hiện rõ được khả năng thích ứng, năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống thông qua các dự án nâng cao sức khoẻ tinh thần và thách thức rèn luyện sức khoẻ thể chất trong mùa dịch. 

Tiêu chí đánh giá kết quả cũng cần thay đổi

Điều quan trọng nhất giúp nhà trường kiểm tra đánh giá hiệu quả khi học online là tính tự giác của học sinh trong lúc làm bài tập cũng như hoàn thành các nhiệm vụ và hoạt động mà giáo viên yêu cầu. Vì vậy, ngoài các bài kiểm tra, các thầy cô trường Wellspring còn đánh giá học sinh dựa trên các tiêu chí khác như sự chuyên cần (online đúng giờ, điểm danh đầy đủ), mức độ tham gia trong lớp học (tích cực đóng góp ý kiến, đặt câu hỏi, tương tác với giáo viên và các bạn) và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập (các bài tập lớn, dự án hay các nhiệm vụ khác được giao).

Cô Nguyễn Ngọc Lan – Hiệu trưởng trường THCS Wellspring cho biết Nhà trường đã sắp xếp các tiêu chí đánh giá với các tỉ trọng như sau: Điểm số chiếm 50%, sự chuyên cần chiếm 20%, ý thức là 20% và tính sáng tạo trong bài làm là 10%.

Kết quả thay đổi theo từng tuần học

Ở trường Wellspring, các báo cáo kết quả học tập, rèn luyện của học sinh được gửi tới phụ huynh định kỳ 1 tuần/lần. Với trường Tiểu học, mỗi môn học sẽ có bảng khen ngợi học sinh qua các tiêu chí: tham gia tích cực, chất lượng bài tốt, tính sáng tạo; được gửi qua group facebook lớp và email. Đối với cấp THPT, các báo cáo đánh giá sẽ bao gồm nhận xét chi tiết về mức độ tham gia vào các hoạt động, mức độ hoàn thành bài tập, điểm trung bình các bài tập, quiz và nhận xét của giáo viên chủ nhiệm với từng học sinh.

Khi chuyển dịch sang hình thức học online, còn khá nhiều học sinh chưa quen, không tham gia học đầy đủ và kết quả chưa tốt. Lúc này, giáo viên cần tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các biện pháp, cách thức nhắc nhở, đôn đốc học sinh học tập thường xuyên hơn. Đồng thời, giáo viên cũng sẽ thông báo và tư vấn tới phụ huynh một số cách thức để gia đình cùng động viên, khuyến khích con học tập nghiêm túc hơn.

Từ phía gia đình, phụ huynh khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để học sinh có đầy đủ thời gian, sức khỏe, máy móc phục vụ cho công việc học tập. Ngoài ra, chính phụ huynh cũng có thể tham gia một số giờ học cùng với học sinh và trao đổi phối hợp chặt chẽ với giáo viên sau khi kết thúc giờ học. Việc này giúp cho phụ huynh theo sát quá trình học tập của con em mình, từ đó giúp cho việc học tập, thực hiện các nhiệm vụ và hoàn thành các bài tập của con đạt kết quả tốt nhất. 

Chị Vũ Thị Hiệp – phụ huynh học sinh Phạm Ngọc Ánh lớp 11AB3 trường THPT Wellspring chia sẻ về kết quả học tập của con: “Tôi thấy sau 5 tuần, một số môn con hoàn thành tốt và xuất sắc. Gia đình tôi rất mừng vì ở nhà mà con vẫn được học như ở trường; thầy cô vẫn chấm điểm, theo dõi, nhận xét sát sao từng em học sinh. Đây là sự nỗ lực của thầy cô và nhà trường đối với các con tôi, khiến tôi cảm thấy rất yên tâm.”

Kết quả học tập online trong thời gian vừa qua cho thấy hiệu quả của việc học được cải thiện rõ rệt so với 1 tuần đầu. Cụ thể là qua điểm số, nhận xét của thầy cô cũng như số học sinh tự giác tham gia học tập online đúng giờ và luôn hào hứng trong giờ học. Điều đó cho thấy việc học tập online với các khung giờ học cụ thể, phương pháp dạy và học sáng tạo cộng với sự tích cực chủ động của thầy trò đã phát huy được tính hiệu quả.