Loading...

Hội thảo giáo dục PEN 2020 giúp tôi nhận ra mình đang đứng ở đâu và đích cần hướng đến trong công việc dạy học (Phần 2)

PEN 2020 với những cách tiếp cận, phương pháp dạy học hiện đại trên thế giới hiện nay. Khóa học PEN 2020 thực sự đem lại cho tôi nhiều cách nhìn mới trong việc giảng dạy và giáo dục học sinh. Những nội dung không phải quá mới mẻ, bởi tôi đã được nghe, được đọc đâu đó. Nhưng qua khóa học giúp tôi xâu chuỗi kiến thức một cách khoa học, nhìn thấu đáo các vấn đề giáo dục và có thêm niềm tin để áp dụng các quan điểm, phương pháp giáo dục mới vào chính công việc của mình. 

CHÁNH NIỆM và TỪ TÂM trong dạy học – chìa khóa giúp cả giáo viên và học sinh có được sự cân bằng cảm xúc

Chủ đề Chính niệm và từ tâm trong giảng dạy (Mindfulness and Compassion in Teaching) để giúp mỗi học sinh được phát triển tốt hơn từng ngày với sự trình bày của TS. Nguyễn Nam - Tiến sĩ Đại học Harvard, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam tại Hội thảo PEN 2020


Chánh niệm và từ tâm là chủ đề đem lại nhiều cảm xúc và những suy nghĩ trăn trở về việc làm thế nào để có thể ứng dụng trong chính học sinh của mình. 

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu Chánh niệm - Từ tâm là gì? 

Chính niệm (Chính niệm), trong chữ Hán: 

  • Chính là nhất, hợp nhất; và chỉ, dừng lại. Ở đây có thể hiểu là mang tâm và thân hợp nhất lại. 

  • Niệm bao gồm chữ Kim: bây giờ, ở đây và chữ Tâm - trí) --> Tâm và trí phải đặt vào thời điểm hiện tại. 

Heartfulness – Mindfulness  

  • Từ tâm: yêu thương chính bản thân mình, chú ý đến sự tương tác của bản thân với thế giới xung quanh.  

Trong xã hội hiện đại, chúng ta luôn phải sống với nhịp độ nhanh để đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của công việc; để bắt kịp và thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thế giới. Sự ra đời của Internet, máy vi tính, smartphone, các mạng xã hội thực sự tạo cho chúng ta có một thế giới ảo đầy quyến rũ và hấp dẫn. Bên cạnh những ưu việt vượt trội của thế giới ảo đó thì nó cũng đem lại cho chúng ta những hệ lụy không hề nhỏ nếu chúng ta không biết kiểm soát. Khả năng tập trung của chúng ta và đặc biệt các bạn học sinh thế hệ Z ngày càng hạn chế do những thói quen sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội. Đồng thời, Xã hội phát triển phức tạp, nhiều áp lực cũng khiến cho con người ta dễ gặp các vấn đề về tâm lý.  Điều đó đòi hỏi bản thân mỗi cá nhân cần biết cân bằng cảm xúc, giải tỏa những lo lắng áp lực để có thể có một sức khỏe tinh thần tốt nhất. Một trong những phương pháp giúp con người bình tâm, tập trung và giải tỏa cảm xúc của bản thân là chánh niệm và từ tâm. 

Đầu tiên, khi thực hành chánh niệm cần đưa thân thể và tâm trí về cùng một nơi, cùng thời điểm. Chúng ta cần tập trung vào 1 công việc tại thời điểm đó. Điều đó giúp ta tập trung tối đa cho công việc, nâng cao hiệu suất lao động, chất lượng công việc. 

Thứ hai, việc thực hành chánh niệm bao gồm: Việc nhận thức bản thân đang sống trong thực tại và chấp nhận mọi vấn đề xảy ra, không phán xét, đánh giá, tích cực hóa hay cố gắng xua đuổi. Nó hướng đến 4 yếu tố của tình yêu chân thật: Từ: Khả năng hiến tặng niềm vui; Bi: khả năng làm với đi nỗi khổ của người khác; Hỷ: Khả năng hoan hỉ mỗi ngày; Xả: khả năng không kỳ thị, phân biệt. Điều đó tạo ra tâm lý bình an, giúp chúng ta thêm yêu thương bản thân, mọi người xung quanh. Trên cơ sở đó phát triển những suy nghĩ tích cực, cân bằng cảm xúc cho chủ thể và hạn chế các vấn đề về tâm lý. 

Thứ ba, chánh niệm tăng cường năng lực lắng nghe của cá nhân. Việc lắng nghe bao gồm: lắng nghe những suy nghĩ, tín hiệu của cơ thể; lắng nghe những âm thanh của cuộc sống, lắng nghe những người xung quanh. Qua đó phát huy những giá trị tôn trọng của mỗi cá nhân đến: bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội…

 

ỨNG DỤNG TRONG DẠY HỌC

Hiện nay trên thế giới đang phát triển mô hình học tập SEL “Social and Emotion learning”. Đây là mô hình tập trung vào phát triển các yếu tố xã hội, cảm xúc của học sinh. Trong đó nhấn mạnh phát triển đến 5 yếu tố: Tự nhận thức; Tự quản, Nhận thức Xã hội, Kỹ năng Quan hệ và Quyết định có trách nhiệm. Trong đó các nhà nghiên cứu khẳng định việc đưa chánh niệm vào giảng dạy trong mô hình này đóng vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu giáo dục. Tìm hiểu thêm các bài giảng trong SEL theo cuốn sách: “Everyday SEL in High School: Integrating Social-Emotional Learning and Mindfulness Into Your Classroom”

Để có thể giảng dạy và hướng dẫn học sinh thực hành Chánh niệm, bản thân người giáo viên cần tự thực hành với bản thân mình. Khi người dạy có đủ những kiến thức, kinh nghiệm và sự kiên trì theo đuổi sẽ là tấm gương sáng cho học sinh học tập.

Qua 2 ngày học và trải nghiệm, lấp đầy những kiến thức và cảm hứng, PEN 2020 thực sự đem lại cho tôi nhiều những cảm xúc và những tri thức mới cho công tác giảng dạy của mình. Với những góc nhìn mới, những quan điểm giáo dục hiện đại như Học sâu, Tư duy tò mò, hay những quan điểm đã quen thuộc như: Chánh niệm - từ tâm; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học… Tất cả đều giúp tôi đứng ra bên ngoài để có cái nhìn tổng quan nhất về công việc của mình, giúp tôi nhận ra mình đang đứng ở đâu và chỉ cho tôi đích cần hướng đến trong công việc dạy học. Đồng thời, tôi cảm thấy mình có thêm động lực và quyết tâm để tiếp tục áp dụng các quan điểm giáo dục đó để thực sự giúp cho học sinh của tôi có được các kỹ năng, kiến thức đảm bảo các yêu cầu của thời đại mới.

(Chia sẻ của cô Lê Phương Thảo, dạy môn Kỹ năng sống – trường Trung học Wellspring)