Loading...

Sự chủ động của học sinh góp phần quyết định đến chất lượng của bài học và kết quả học tập của chính học sinh

Thầy Lương Anh Tuấn - giáo viên môn Vật lý và cô Đinh Tuyết - giáo viên môn Địa lý trường THCS Wellspring là hai giáo viên đạt giải Nhì hạng mục chuyên đề Bài giảng kết hợp, cuộc thi WITEACH 2021 - 2022. Theo thầy Anh Tuấn, việc áp dụng phương pháp Blended Learning trong dạy - học giúp học sinh có nhiều cơ hội hơn để thể hiện bản thân và chủ động thu nạp kiến thức. Vì vậy, sự chủ động của học sinh sẽ quyết định đến chất lượng bài học cũng như kết quả học tập của chính học sinh.


 


Đồng quan điểm với thầy Anh Tuấn, cô Đinh Tuyết cho rằng, từ chủ động trong học tập, học sinh không chỉ lĩnh hội kiến thức một cách sâu sắc mà còn rèn luyện và phát triển năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định và khả năng tự học… Điều này giúp học sinh xây dựng nền tảng để có thể học tập suốt đời cùng sự trưởng thành, tự tin trong cuộc sống. 

Tuy nhiên việc triển khai phương pháp Blended Learning trong bối cảnh dạy - học trực tuyến hoàn toàn cũng được xem là một bài toán cần thầy cô đưa ra giải pháp.

Cô Đinh Tuyết: Giải bài toán tạo hứng thú cho học sinh với 05 bí quyết.

Khi xây dựng giáo án bài giảng, cô Tuyết không chỉ lấy học sinh là trung tâm của bài giảng, là nguồn cảm hứng để giáo viên thiết kế, tổ chức hoạt động. Cô Đinh Tuyết còn xem học sinh là bạn đồng hành để cùng thực hiện tiết học hiệu quả nhất.  

Với cô Tuyết, 05 bí quyết tạo nên sự thành công của tiết học tạo hứng thú cho học sinh là:

  • Cấu trúc lại nội dung, các đề mục trong sách giáo khoa cho hấp dẫn hơn. Ví dụ như biến các nội dung bài học thành những cuộc hành trình khám phá để khơi gợi hứng thú với học sinh.
  •  Tạo hoạt động mang tính thi đua trong tiết học và những hoạt động mà học sinh chính là người chấm chữa, đánh giá sản phẩm của nhau.
  • Dạy học gắn liền với thực tiễn. Học sinh được quan sát, được chia sẻ, nêu quan điểm về các vấn đề thực tiễn hoặc sáng tạo slogan.
  • Kết hợp phương pháp Blended learning với phương pháp Deep Learning nhằm từng bước nâng cao tư duy học sinh qua các hoạt động của tiết học.
  • Giáo viên là người dẫn dắt và định hướng giúp học sinh đạt được kiến thức, kĩ năng và năng lực tiếp thu bài học.
 

Thầy Anh Tuấn: Giáo viên cần hướng dẫn người học hiểu rõ các nhiệm vụ cần giải quyết trước khi bắt tay vào thực hiện

Theo thầy Anh Tuấn: “Để học sinh có thể chủ động thực hiện các mục tiêu bài học thì giáo viên cần hướng dẫn người học hiểu rõ các nhiệm vụ cần giải quyết trước khi bắt tay vào thực hiện. Tránh trường hợp, học sinh chỉ nắm thông tin một cách mơ hồ, không có định hướng, dẫn đến kết quả bài học không đáp ứng được mục tiêu ban đầu. Điều đó, đồng nghĩa với việc, giáo viên cần có sự hướng dẫn học sinh một cách chi tiết từ tài liệu hướng dẫn học tập, nêu nhiệm vụ và yêu cầu cụ thể, định hướng thông điệp bài học, một số nguồn tài liệu từ giáo viên, cách thức tổ chức các hoạt động ra sao… Tùy vào đối tượng học sinh với năng lực khác nhau, giáo viên điều chỉnh mức độ hỗ trợ hợp lý để các bạn từng bước làm chủ các hoạt động học tập”.

Trong phiếu hướng dẫn học tập, thầy Anh Tuấn cũng giới thiệu, hướng dẫn các bạn học sinh một số phương pháp học tập tích cực phù hợp với nội dung bài học để học sinh chính là người triển khai: phương pháp 4C, phương pháp sáu chiếc mũ tư duy, phương pháp PMI…

Điển hình là trong tiết học Vật lý 9 “Sự nhiễm từ. Nam châm điện. Ứng dụng của nam châm. Lực điện từ, động cơ điện”, với sự hướng dẫn chi tiết của giáo viên các bạn học sinh được chia nhóm, chủ động:

  • Tìm hiểu kiến thức theo phiếu hướng dẫn học tập và các phương pháp giáo viên giới thiệu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
  • Thuyết trình, thảo luận với giáo viên và lớp học dựa trên phần kiến thức đã tìm hiểu.
  • Trao đổi với giáo viên để đào sâu kiến thức
  • Vận dụng thực hành, mở rộng kiến thức sau tiết học. Giáo viên quan sát, theo dõi và trao đổi giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng.

Như vậy, học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng, linh hoạt và đạt hiệu quả cao. Lấy học sinh làm trung tâm và mục tiêu trang bị cho học sinh kiến thức, các năng lực công dân Toàn cầu trong thế kỷ XXI luôn là điều mà Wellspring hướng đến.

 

Xin cảm ơn những chia sẻ của thầy Anh Tuấn, cô Đinh Tuyết. Hy vọng, thầy cô luôn giữ vững nhiệt huyết, tinh thần đổi mới sáng tạo để mang đến cho các WISHers những tiết học thú vị và bổ ích. Mời Quý Phụ huynh và các bạn học sinh cùng chờ đón những dự án, hoạt động dạy - học của trường Wellspring trong thời gian tới.