Loading...

WITEACH 2021 - 2022 - Gặp gỡ quán quân nội dung Bài giảng kết hợp “Học sinh là người tạo cảm hứng và xây dựng ý tưởng cho giáo viên”

Cùng WITEACH gặp gỡ hai cô giáo của Trường Trung học Wellspring đã xuất sắc đạt giải Nhất nội dung “Bài giảng kết hợp” WITEACH 2021 - 2022, đó là cô Đặng Thu Hằng - Giáo viên môn Ngữ Văn trường THCS Wellspring - và cô Chu Thị Hường - Giáo viên môn Giáo dục Công dân trường THPT Wellspring.


 

Cuộc thi WITEACH 2021 - 2022 với chủ đề “Be the Change” đã đi được một chặng đường khá dài với 31 giáo viên xuất sắc đạt giải trong phần thi “Bài giảng kết hợp”. Đây cũng là năm thứ 2, các thầy cô trường Trung học Wellspring áp dụng phương pháp dạy và học Blended Learning trong phần thi này. Đặc biệt, các thầy cô đã tận dụng lợi thế của việc giảng dạy online, ứng dụng nhiều công cụ Công nghệ thông tin mới và hiệu quả, mở rộng không gian ra ngoài lớp học, đưa các trải nghiệm mới lạ vào trong tiết học mà từ trước đến giờ các thầy cô chưa từng áp dụng. 

Trò chuyện cùng Ban tổ chức, các thầy cô chia sẻ rằng chính học sinh là những người tạo cảm hứng để giáo viên có thể sáng tạo, xây dựng những bài giảng hay, những tiết học hấp dẫn. Điểm mấu chốt tạo nên thành công khi tổ chức tiết học bất kể là học trực tiếp hay học trực tuyến luôn là niềm đam mê, khát khao chinh phục những thử thách trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Làm sao để các con hứng khởi khi học tập, chiếm hội kiến thức và áp dụng chúng trong đời sống chính là ưu tiên hàng đầu của giáo viên Trường Trung học Wellspring.

Cùng WITEACH gặp gỡ hai cô giáo của Trường Trung học Wellspring đã xuất sắc đạt giải Nhất nội dung “Bài giảng kết hợp” WITEACH 2021 - 2022, đó là cô Đặng Thu Hằng - Giáo viên môn Ngữ Văn trường THCS Wellspring - và cô Chu Thị Hường - Giáo viên môn Giáo dục Công dân trường THPT Wellspring.

 

Các cô có cảm nhận thế nào về vai trò của học sinh trong việc xây dựng “Bài giảng kết hợp” trong tiết học của mình. Điều này giúp ích gì cho các em sau này?

Cô Đặng Thu Hằng:
Trong tiết dạy dự thi “Bài giảng kết hợp” của tôi, học sinh có vai trò quan trọng trong việc tạo nên thành công của tiết dạy. 
Thông qua kĩ thuật K-W-L-H (Know – Wanted – Learned – How), tôi đã dẫn dắt giúp học sinh huy động kiến thức nền, truy cầu và tìm hiểu kiến thức để hình thành kĩ năng cho mình. Các con được giao nhiệm vụ trước tiết học: huy động kiến thức nền về bài học (Know – Điều con đã biết) sau đó đặt câu hỏi muốn biết liên quan đến bài học (Want to know). Việc học sinh tự đặt câu hỏi (Want to know) giúp các con học sâu hơn: hiểu khi nào, làm cách nào và vì sao cần học kiến thức đó (để áp dụng vào thực tế cuộc sống như thế nào?). Điều này giúp dạy học sinh học được cách học, cách tư duy. Qua hoạt động này, giáo viên cũng khảo sát được nhu cầu, mong muốn của học sinh để giáo viên thiết kế bài giảng, định hướng khung bài học đáp ứng nhu cầu, giải đáp thắc mắc của học sinh, tạo được hứng thú cho bài học.
Trong giờ học, thông qua hệ thống câu hỏi ở mức độ tư duy từ bậc thấp đến bậc cao, các con được phát huy sự chủ động thông qua các hoạt động làm việc nhóm và làm việc cá nhân, được nêu ý kiến, thảo luận, tranh luận để bày tỏ quan điểm, phân tích, tự tổng hợp kiến thức. Sự tích cực tương tác của học sinh đóng vai trò đồng kiến tạo tiết dạy. Kết quả học tập là học sinh vận dụng được kiến thức, kĩ năng nhằm thay đổi tư duy và hành vi của mình, thấy được ý nghĩa của bài học trong cuộc sống.

Cô Chu Thị Hường:
Học sinh là người tạo cảm hứng và xây dựng ý tưởng cho giáo viên. Bắt nguồn từ việc học sinh cần gì, muốn gì với môn học của mình thì giáo viên sẽ suy nghĩ xem phải làm gì với các tiết học và làm như thế nào để đạt được kỳ vọng, mong muốn đó của các con. Có thể nói rằng chính học sinh là người tạo nên sự thành công của tiết học chứ không phải ai khác. Dẫu giáo viên có phương pháp, kỹ thuật tốt đến đâu mà học sinh không tham gia tương tác thì rất có thể tiết học đó trở nên kém hiệu quả. Sau mỗi tiết học, cả giáo viên và học sinh đều thấy hào hứng, vui vẻ vì đã học được thêm gì đó, đó có thể là kiến thức hay kỹ năng. Ví dụ, như trong tiết học về Hôn nhân, gia đình dựa trên mô hình tòa án, học sinh thông qua tiểu phẩm nhập vai đã nắm được một số quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hai người sau khi đăng ký kết hôn; hiểu được giá trị của gia đình và có kỹ năng giữ gìn cũng như phát huy trách nhiệm của chính mình với gia đình hơn.

 

Blended learning là phương pháp kết hợp online + offline. Tuy nhiên, hiện nay các thầy cô phải tiến hành các biểu học offline bằng buổi học trực tuyến. Thông qua kết quả và mức độ tiếp thu của học sinh, áp dụng blended learning khi học trực tuyến có thực sự giảm hiệu quả so với học trực tiếp không, đâu là khó khăn đối thầy cô?  Vậy, theo cô đâu là điểm mấu chốt tạo nên thành công khi tổ chức tiết học trực tuyến như vậy?

Cô Chu Thị Hường:
Theo tôi, dù học trực tiếp trên lớp hay trực tuyến thì phương pháp Blended learning vẫn luôn phát huy tác dụng trong giảng dạy, phù hợp với phương châm giáo dục của nhà trường. Việc học sinh chỉ nghe giảng từ một phía giáo viên suốt cả mấy tiếng đồng hồ như vậy sẽ khiến các con thụ động và nảy sinh tâm lý chán chường. Ngược lại, khi các con  tự tìm hiểu, khai thác thông tin trước rồi được đào sâu, phân tích kỹ hơn cùng các bạn và giáo viên, lúc đó học sinh sẽ có tâm lý hào hứng hơn trong tiết học, cũng như có thể hiểu bài và lĩnh hội kiến thức dễ dàng hơn

 

Các cô hãy chia sẻ những điều hay tips các cô rút ra sau nội dung “Bài giảng kết hợp” trong chính tiết dạy của mình? Với những thành tích mình đã đạt được, cô có thông điệp nào muốn truyền tải đến những người đồng nghiệp của mình hay điều gửi muốn gửi đến Ban tổ chức?

Cô Đặng Thu Hằng : 
Về phương pháp dạy, tôi muốn chia sẻ cùng đồng nghiệp một số tips để có thể xây dựng những tiết học hiệu quả cho các con trong tương lai:
- Kết hợp phương pháp Blended learning với phương pháp Deep learning (Học sâu) và Visible thinking 

 

Timeline

Description automatically generated
 

- Giáo viên định hướng các phương pháp học chủ động tích cực để học sinh lĩnh hội kiến thức và học sâu (học để hiểu) qua các kĩ thuật hiệu quả như: K-W-L (hay K-W-L-H), see – think- wonder…
- Các câu hỏi đặt ra cho học sinh cần cụ thể, áp dụng thang Bloom để phát triển tư duy cho học sinh từ bậc thấp đến bậc cao.
- Thay vì dạy những ví dụ, kiến thức lẻ tẻ, giáo viên nên đặt kiến thức đó vào những tình huống thực tế, bối cảnh gần gũi để học sinh liên hệ và thấy được ý nghĩa của bài học, từ đó học sinh trả lời được câu hỏi định hướng “Tại sao phải học kiến thức đó?”
- Giáo viên nên thiết kế bài giảng xuất phát từ nhu cầu của học sinh: Qua hoạt động trước tiết học mà học sinh được giao nhiệm vụ, giáo viên có thể thu thập các dữ liệu phản hồi của học sinh để điều chỉnh giáo án, định hướng khung bài học nhằm tạo hứng thú cho học sinh và sự gần gũi, liên hệ bài học với đời sống.
- Cá thể hóa học sinh bằng cách giao các bài tập có nhiều lựa chọn về hình thức để phù hợp với những phong cách học tập khác nhau

 

Đôi lời các cô giáo muốn gửi gắm tới WITEACH

Cô Chu Thị Hường: Tôi xin gửi lời cảm ơn tới Ban giám đốc, Ban Đào tạo và Ban Giám hiệu và Ban tổ chức WITEACH đã tạo ra một sân chơi rất bổ ích cho giáo viên được thể hiện mình, cống hiến sự sáng tạo và trải nghiệm những điều tuyệt vời mà không đâu có được như ở Trường Trung học Wellspring.  Đây là một trong những bước đệm để tôi cố gắng hơn, hoàn thiện mình hơn cho chặng đường phía trước, tất cả vì những điều tốt đẹp nhất  cho học sinh.

Cô Đặng Thu Hằng: Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Ban Tổ chức WITEACH đã tổ chức cuộc thi giúp giáo viên chúng tôi có động lực và sự thúc đẩy để không ngừng đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong dạy học. Và đặc biệt tôi xin cảm ơn sâu sắc đến Ban Giám hiệu  trường Trung học Wellspring đã có những định hướng, tư vấn chi tiết và ghi nhận sự nỗ lực của giáo viên, giúp chúng tôi không ngại thay đổi, tiến bộ hơn về chuyên môn.