Loading...

Thầy - trò Hà Nội sử dụng multimedia tạo ra sản phẩm dạy và học ấn tượng

Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ cùng “cú hích” từ đại dịch COVID-19, nhiều trường học sử dụng đa dạng các ứng dụng công nghệ thông tin và hình thức multimedia (đa phương tiện) để truyền tải kiến thức, giúp cho người học tự học. Cùng với đó, thầy cô hướng dẫn, khuyến khích học sinh sáng tạo nội dung đa phương tiện để chia sẻ kiến thức bài học mà mình nghiên cứu được tới mọi người.

 

Tại Ngày hội Giáo viên Sáng tạo do trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring tổ chức, cùng tham gia của thầy cô giáo trường Phổ thông Liên cấp Edison diễn ra ngày 21/05/2021 vừa qua; 60 dự án giáo dục xuất sắc thuộc các hạng mục Chuyên đề kết hợp, Không gian kết nối và Môi trường sáng tạo được giới thiệu, trưng bày các sản phẩm học tập. Sự kiện đã thu hút hơn 400 giáo viên tham gia.

Với thông điệp “Be The Change”, thầy cô đã tạo ra những điều mới lạ, những bước đột phá sáng tạo trong việc thiết kế nội dung dự án, làm mới nội dung môn học, phương pháp hay cách thức tổ chức hoạt động học tập cho người học… Một điểm chung nổi bật của các dự án, thầy - trò tiếp tục đẩy mạnh khai thác tối đa ứng dụng công nghệ thông và sử dụng multimedia trong các hoạt động dạy - học.

Thầy cô chủ động thay đổi, làm chủ sự thay đổi và tạo nên những sự thay đổi trong việc tổ chức tiết học cũng như định hướng, tạo cơ hội để học sinh sáng tạo những sản phẩm học tập ở nhiều hình thức đa phương tiện.

Những sản phẩm học tập ấn tượng mang tính đa phương tiện

Dự án “Chọn nghề cùng GenZ” - một dự án Hướng nghiệp dành cho các bạn học sinh khối 12 trường THPT Wellspring. Dự án phát huy tính chủ động của học sinh trong việc tìm hiểu về ngành nghề và trường đại học phù hợp với bản thân và đưa ra quyết định lựa chọn cuối cùng. Mục đích của dự án là phát triển "hệ sinh thái" và cộng đồng hỗ trợ các bạn học sinh hướng nghiệp một cách toàn diện từ nhiều nguồn lực của Nhà trường (Phụ huynh học sinh, Alumni, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, Phòng Tư vấn Hướng nghiệp & Du học) cũng như các chuyên gia thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp.

Sản phẩm của dự án là kho các dữ liệu liên quan đến hướng nghiệp (thông tin các ngành nghề, trường đại học; cuốn cẩm nang rèn luyện kỹ năng theo đuổi đam mê; bài test…) do học sinh nghiên cứu, tổng hợp thực hiện.

Các bạn học sinh đem các kiến thức về hướng nghiệp theo góc nhìn của GenZ sáng tạo thành các sản phẩm truyền thông hấp dẫn đưa lên Website, Fanpage chung của dự án…để lan tỏa và tạo cơ hội được tiếp cận với hướng nghiệp cho các bạn học sinh ở các trường trong - ngoài Hà Nội còn hạn chế trong công tác hướng nghiệp. Học sinh cũng tổ chức buổi chia sẻ trực tiếp tại một số trường tại Hà Nội.

Website “Chọn nghề cùng GenZ” nhằm lan tỏa và tạo cơ hội được tiếp cận với hướng nghiệp cho các bạn học sinh ở các trường trong - ngoài Hà Nội
 

Fanpage của Dự án  Website của Dự án

Dự án “Chọn nghề cùng GenZ” của thầy cô giáo chủ nhiệm khối 12 trường THPT Wellspring giành giải Nhất hạng mục Không gian kết nối tại Ngày hội Giáo viên Sáng tạo.

Chuyên đề “Giun What is that” được các giáo viên tổ bộ môn Sinh học trường THCS Wellspring thực hiện trên cơ sở thiết kế lại những phần kiến thức liên quan về ngành Giun Tròn thuộc chương trình Sách giáo khoa Sinh học 7.

Nội dung chuyên đề không chỉ có kiến thức chuyên môn mà mở rộng tính thực tiễn liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Đó là các vấn đề, dấu hiệu, nguy cơ tiềm ẩn và biện pháp phòng, chữa các bệnh do giun Tròn kí sinh.

Giáo viên thiết kế thêm buổi giao lưu trực tiếp với Bác sĩ Nguyễn Văn Trường - Bác sĩ chuyên khoa Gan Mật, Bệnh Viện Thanh Nhàn để học sinh trao đổi, giải đáp những thắc mắc về "giun" xoay quanh cuộc sống thường ngày. Từ kiến thức lĩnh hội được thông qua dự án, học sinh thiết kế thẻ nhận dạng/ chứng minh thư các loài giun, sáng tác truyện tranh online…

Chuyên đề “Giun What is that” - Sinh học 7 của thầy cô giáo tổ bộ môn Sinh học trường THCS Wellspring giành giải Nhì hạng mục Chuyên đề Kết hợp tại Ngày hội Giáo viên Sáng tạo.
Như vậy, học sinh không tiếp nhận kiến thức một cách đơn thuần mà quá trình lĩnh hội kiến thức của học sinh trở nên chủ động và trực quan hơn. Học sinh có cơ hội để sáng tạo, tự chủ về mặt kiến thức và hình thành những phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình giáo dục. Học sinh tự tạo ra những sản phẩm học tập ở nhiều hình thức đa phương tiện khác nhau để chia sẻ, tổng kết kiến thức bài học mình tìm hiểu được.
 

Với vai trò Ban Giám Khảo, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng -  nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng BTC Cuộc thi Giáo viên Sáng tạo trên Nền tảng CNTT của Bộ GD&ĐT cho rằng: Hai năm học vừa qua, dịch bệnh COVID-19 tạo ra những khó khăn nhất định trong lĩnh vực giáo dục nhưng lại là cơ hội để giáo viên sáng tạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giảng dạy. Tôi rất ngạc nhiên khi đến với Ngày hội Giáo viên Sáng tạo do trường Wellspring tổ chức, thầy cô không chỉ cho thấy việc sử dụng hiệu quả Microsoft Office 365, Google Apps for Education mà còn ứng dụng multimedia để tạo ra những sản phẩm phục vụ việc dạy và học tốt hơn, thú vị hơn. Những sản phẩm không chỉ ở trên giấy mà đa dạng ở nhiều hình thức âm thanh, hình ảnh, video hay những thước phim…).

Khả năng lan tỏa của các sản phẩm học tập

Điều đáng nói, các dự án giáo dục không chỉ cho thấy tính hiệu quả, linh hoạt và đổi mới hơn những năm trước, mà còn chú trọng vào những vấn đề thời sự, chăm sóc sức khỏe tinh thần, quản lý cảm xúc và đặc biệt là phát triển cá nhân. Nội dung dự án hấp dẫn cùng với việc sử dụng multimedia trong cách thể hiện sản phẩm học tập, khiến cho dự án dễ dàng lan tỏa đến mọi người.

Không ai khác, học sinh chính là người tổng hợp các sản phẩm học tập của mình để xây dựng Website, phát triển Fanpage... Các bạn chủ động truyền thông những giá trị tốt đẹp từ dự án mình thực hiện đến các bạn học sinh ngoài trường, đến cộng đồng. Đó có thể là chia sẻ kiến thức, kỹ năng, lan tỏa tinh thần - thái độ sống tích cực.

Dự án “Sống cân bằng trong Thế giới VUCA” của nhóm giáo viên chủ nhiệm khối 8 kết hợp giáo viên Kỹ năng sống trường THCS Wellspring, hướng tới việc hỗ trợ học sinh chủ động tìm hiểu về thế giới VUCA, đào sâu hơn vào tâm lý học sinh trong thế giới VUCA, đưa ra giải pháp thích ứng trước những biến động… Chuỗi talkshow được các bạn triển khai để chia sẻ, thảo luận những thông tin hữu ích với sự góp mặt của các khách mời đặc biệt đến từ sự đồng hành của Phụ huynh học sinh. Đặc biệt, học sinh xây dựng các kênh truyền thông để lan tỏa những kiến thức hữu ích trong quá trình các bạn nghiên cứu khi thực hiện dự án đến mọi người.

Nhiều bạn học sinh lựa chọn sáng tạo nội dung (poster, video) để phát triển kênh Instagram - kênh thông tin được đông đảo học sinh sử dụng.

Thầy Nguyễn Vĩnh Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring - Đại diện Ban Tổ chức WiTeach bày tỏ: “Cuộc thi WITEACH và ngày hội Giáo viên Sáng tạo luôn mang trong mình niềm tin, sự mong mỏi, là đào tạo nên những thế hệ học sinh toàn diện và nhân văn. Đó là những con người độc lập, tự do trong suy nghĩ, tư tưởng, sáng tạo, những thế hệ học sinh hiểu biết bản thân, xã hội và thế giới, có trách nhiệm với cộng đồng. Mỗi dự án giáo dục của thầy cô tại Ngày hội Giáo viên Sáng tạo cho bất cứ đối tượng nào và ở bất cứ lớp học, cấp học, môi trường, hoàn cảnh nào đều mang theo những tinh thần, ước vọng đó. Và một điều vô cùng quan trọng đó là những sản phẩm đó luôn được chia sẻ, lan tỏa, trao đổi và hợp tác với nhiều người, và tới nhiều đối tượng khác nhau”.

Thông qua sự kiện Ngày hội Giáo viên Sáng tạo, thầy - trò trường Wellspring đã lan tỏa tinh thần "Trường học Tích cực Đổi mới Sáng tạo" (năm học 2019 - 2020) - danh hiệu duy nhất do bộ GD&ĐT trao tặng. Thầy cô trao đổi, chia sẻ năng lực – kỹ năng – kinh nghiệm của mình mà là cơ hội để mỗi thầy cô nhìn lại bản thân, thể hiện mong muốn tạo nên những thay đổi cho chính mình và học sinh cùng với những giá trị đi theo chúng ta suốt cuộc đời.

XEM THÊM THÔNG TIN VỀ CUỘC THI WITEACH -GIÁO VIÊN SÁNG TẠO CỦA NHÀ TRƯỜNG tại đây