Loading...

Những chính sách hậu COVID-19 du học sinh cần chú ý khi tới Mỹ, Châu Úc và Châu Âu

Đại dịch COVID-19 để lại nhiều thay đổi lớn đối với các ngành trong đó ảnh hưởng nhất là nền giáo dục trên toàn thế giới. Để thích nghi với thời kỳ “bình thường mới” và tạo điều kiện cho các du học sinh, nhiều trường Đại học tại Mỹ, Úc và Châu Âu đã chủ động thay đổi các chính sách tuyển sinh, xét đầu vào. 

Việc nắm vững những thay đổi trong chính sách tuyển sinh du học sẽ giúp các bạn có những bước chuẩn bị chỉn chu nhất để có thể học tập và rèn luyện tại môi trường mơ ước.


 

Trong hội thảo UCC Day tổ chức trong tháng 12/2021, Nhà trường phối hợp cùng các diễn giả từ các tổ chức giáo dục đã có buổi chia sẻ cùng phụ huynh và học sinh trường THCS và THPT Wellspring về những thay đổi đáng chú ý về chính sách tuyển chọn đầu vào của các trường Đại học tại Mỹ, cụ thể như sau:

A/ Các trường Đại học tại Mỹ

 
  1. Quá trình xét duyệt hồ sơ du học trong thời kỳ bình thường mới

Mỹ có 4500 trường Đại học và Cao đẳng, vì thế cơ hội du học tại đất nước này là rất lớn với các du học sinh từ Việt Nam. Trong giai đoạn 2019 - 2020, Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về số lượng du học sinh đến theo học tại các bậc học, đặc biệt là Đại học. Từ đầu đại dịch, nhiều trường Đại học phía Hoa Kỳ đã triển khai những chính sách mềm dẻo với việc loại bỏ phần yêu cầu đầu vào thông qua các bài thi chuẩn hóa như SAT, ACT. Thực chất, đây là xu hướng tại các trường Đại học tại Mỹ từ nhiều năm nay do nhận thấy có nhiều cách để xét tuyển học sinh hơn là dựa vào điểm số. Hiện nay, đã có khoảng 1500 trường Đại học Mỹ áp dụng những chính sách linh hoạt đã được áp dụng để có thể đánh giá hồ sơ học sinh và tạo điều kiện tốt nhất cho các du học sinh từ khắp nơi trên thế giới. Cụ thể:

  • Test optional: Trường sẽ xem xét điểm thi chuẩn hóa SAT, ACT của học sinh nếu có
  • Test flexible: Trong trường hợp học sinh không có điểm SAT, ACT, trường sẽ xem xét các điểm số khác nếu học sinh theo học các hệ IB, IDC, SE, AP.
  • Test blind: Trường không yêu cầu nộp bất kỳ bài thi chuẩn hóa nào
 
  1. Tối ưu hóa việc kết nối với học sinh

Bởi những khó khăn gây ra do đại dịch COVID-19 gây nên trong việc gặp gỡ, kết nối trực tiếp, các trường Đại học Mỹ tích cực trong việc kết nối với phụ huynh và du học sinh thông qua các hình thức trực tuyến tại Mỹ và các quốc gia khác. Cụ thể như phỏng vấn và cung cấp thông tin trực tuyến thông qua những buổi hội thảo, diễn đàn. Ngoài ra, các trường chia học sinh theo nhóm nước, nhóm ngành để có thể kết nối, truyền đạt thông tin cần thiết tùy thuộc vào nhu cầu và mong muốn của từng nhóm.

 
  1. Chính sách của các trường top đầu

Các trường top đầu tại Mỹ đã có những chính sách tích cực hơn trong việc xét tuyển học sinh, như giảm việc ưu tiên các thành viên gia đình của cựu học sinh (legacy admission). Từ khi đại dịch xảy ra đặc biệt là sau đại dịch, chính sách này đã được điều chỉnh lại nhằm tạo nên một môi trường công bằng hơn cho học sinh.

Ngoài ra, các trường cũng áp dụng những quy trình mềm dẻo hơn đối với việc gia hạn, lùi hạn cho các bài test, bài thi, hồ sơ tài chính từ các du học sinh, sinh viên quốc tế nếu có lý do chính đáng.

Cùng với đó, với hệ thống nộp đơn chung Common App, từ khi đại dịch xảy ra, hệ thống đã liên tục cập nhật những khía cạnh khác nhau cần có trong bộ hồ sơ, tạo điều kiện cho học sinh chia sẻ những ảnh hưởng của COVID-19 về bản thân, môi trường đời sống, cộng đồng xung quanh mình.

 

B/ Các trường Đại học tại Châu Úc

New Zealand là quốc gia tiên phong luật hóa bộ Quy chế Bảo trợ và Chăm sóc sinh viên Quốc tế. Các trường tại New Zealand nhận sinh viên Quốc tế phải đảm bảo các điều lệ chăm sóc về đời sống, sức khỏe, tinh thần, tâm lý cũng như hỗ trợ tốt nhất cho các bạn về việc học tập. Tất cả các quy định trên đều được giám sát bởi các cơ quan chức năng. 

Đặc biệt hơn, về chính sách trong thời kỳ đại dịch, dịch vụ chăm sóc y tế cộng đồng liên quan tới COVID-19 bao gồm chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị, vaccine tiêm chủng được hỗ trợ miễn phí cho tất cả mọi người, bao gồm học sinh-sinh viên Quốc tế từ 12 tuổi trở lên.

Từ năm 2021, thay vì đòi hỏi đầu vào rất cao như học xong Đại học năm thứ Nhất hoặc tốt nghiệp trường chuyên, các trường Đại học New Zealand có chính sách chấp nhận tuyển thẳng các học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông tại Việt Nam (với điều kiện GPA trên 8.0 và đạt điều kiện về ngôn ngữ).

Bên cạnh đó, New Zealand là một trong những nước đi đầu trong việc kiểm soát dịch COVID-19 với tình hình rất tích cực và trong tầm kiểm soát. Khi chủng Delta hoành hành năm 2021, New Zealand vẫn kiểm soát được tình hình và đặt sự quan tâm tới các bạn học sinh sinh viên Quốc tế bằng cách mở cửa  linh hoạt, kết hợp tăng cường chống dịch cho các sinh viên bậc Tiến sĩ, Thạc sĩ, Đại học từ cuối năm 2020. Tháng 10/2021, Chính phủ mở cửa cho các sinh viên dưới Cử nhân và thông tin mới đây là vào ngày 30/4/2022, New Zealand sẽ mở cửa cho các công dân có quốc tịch nước ngoài.

 

Với Úc, chính sách nổi bật nhất của chính phủ Úc chính là việc chấp nhận các học sinh-sinh viên quốc tế đã tiêm đủ vaccine bắt đầu từ ngày 25/12/2021. Ngoài ra, chính phủ Australia bao gồm chính phủ Liên Bang và chính phủ từng bang có những chính chính sách tích cực đối với học sinh sinh viên Quốc tế:

  • Học sinh sinh viên Quốc tế bị cách ly, phải chăm sóc vì bệnh COVID-19, các bạn được phép nhận hỗ trợ về tài chính từ chính phủ.
  • Cung cấp khóa học miễn phí về kỹ năng tối thiểu để xin việc
 

C/ Các trường Đại học tại Châu Âu

Tại Châu Âu, có thể điểm qua một số đất nước có chính sách hỗ trợ học sinh sinh viên trong đại dịch COVID-19, đó là Ireland. Ireland là một trong số nước đứng đầu về việc phản ứng phòng chống  Covid tại châu Âu, cụ thể, 100% dân số trong độ tuổi phù hợp đều được tiêm Vaccine miễn phí kể cả du học sinh. Chính phủ Ireland cũng bố trí các trạm tiêm đặt gần trường Đại học để đảm bảo mức độ phủ vaccine cho học sinh sinh viên Quốc tế.

Ngoài ra, Ireland chính sách hỗ trợ tài chính với mức hỗ trợ 350 Euro/tuần sẽ được tự động gửi tới cho du học sinh đi làm thêm bị mất việc.

Tại Anh, chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ học sinh sinh viên học tập thời kỳ hậu đại dịch, cụ thể như sau 

+ Tiêm vaccine miễn phí cho học sinh sinh viên

+ Một số trường Đại học có trung tâm y tế để tiêm vaccine ngay trong khuôn viên nhà trường

+ Trong thời gian cách ly để chờ kết quả xét nghiệm âm tính, một số trường sẽ cung cấp đồ ăn và vật phẩm sinh hoạt cơ bản cho học sinh sinh viên khi tự cách ly ở nhà.

 

Đặc biệt hơn, sau đại dịch, rất nhiều trường trong UK đã chấp nhận các chứng chỉ tiếng Anh (online) khác ngoài IELTS như Duolingo English Test hoặc các bài thi nội bộ do trường tổ chức để nhập học, đăng ký học bổng bởi IELTS không thể tổ chức ở nhiều nước trên thế giới trong thời kỳ COVID-19 còn hoành hành.