Loading...

Làm thế nào để cha mẹ “mở lòng” khi lắng nghe con?

Khi con bước vào giai đoạn tuổi Teen, khoảng cách thế hệ cũng như “khủng hoảng lứa tuổi” khiến cho con trở nên xa cách với cha mẹ: Con ít chia sẻ hơn; tâm lý và cảm xúc của con thất thường hơn, con xây dựng cho mình “thế giới riêng” với những người bạn… Vậy làm cách nào để cha mẹ “bước được vào thế giới” của con? 

 

Nhiều cha mẹ lựa chọn lắng nghe để thấu hiểu con. Một trong những bí quyết quan trọng giúp cha mẹ giao tiếp hiệu quả với con trong giai đoạn tuổi Teen chính là “mở lòng” khi lắng nghe con.

Góc nhìn từ Phụ huynh học sinh: Làm thế nào để “mở lòng” khi lắng nghe con? 

Một vài “bí quyết” từ chia sẻ của  Phụ huynh bạn An Khánh (khối 7, Hệ Song Ngữ Hoa Kỳ Toán Công Nghệ) tại Hội thảo “Lắng nghe để thấu hiểu - Trò chuyện để dẫn đường” do trường THCS Wellspring tổ chức vừa qua.

  • Cha mẹ không nên vội vàng phán xét hay chỉ trích con trong mọi vấn đề.
  • Hãy kiên nhẫn, đặt mình vào vị trí của con để cảm nhận trước khi đưa ra quyết định
  • Lắng nghe con một cách tích cực bằng cách tôn trọng ý kiến của con.
  • Cha mẹ đồng hành cùng con trong những quyết định quan trọng bằng cách đặt các câu hỏi gợi mở và cùng con giải quyết các câu hỏi đó.
  • Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý đến cảm xúc của mình khi giao tiếp với con,  tránh việc căng thẳng hay tức giận sẽ khiến con không muốn chia sẻ với cha mẹ.
Phụ huynh bạn An Khánh (khối 7, Hệ Song Ngữ Hoa Kỳ Toán Công Nghệ) chia sẻ tại Hội thảo “Lắng nghe để thấu hiểu - Trò chuyện để dẫn đường” do trường THCS Wellspring tổ chức vừa qua.



Phụ huynh của bạn Nhật Anh (khối 8, Hệ Song Ngữ Hoa Kỳ) cho biết thêm:  Cha mẹ cũng có thể kết nối với con thông qua các hoạt động trải nghiệm phù hợp lứa tuổi. Điều này sẽ giúp con phát triển tốt hơn trong giai đoạn tuổi Teen cũng như gia tăng sự gắn kết mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái trở nên gần gũi hơn. 

Việc xây dựng mối quan hệ thân thiết với con không chỉ quan trọng ở giai đoạn con tuổi Teen hay ở một độ tuổi nào đó, mà cần được xây dựng từ sớm (khi còn nhỏ). Đó sẽ là nền tảng quan trọng giúp cha mẹ giao tiếp với con ở bất kỳ độ tuổi nào.

Lời khuyên từ Nhà trường: Bí quyết để cha mẹ giao tiếp hiệu quả với con tuổi Teen

Nguyên tắc 3C khi giao tiếp với con

+ Kết nối (Connect): Cha mẹ cần kết nối với con trước khi đưa ra góp ý, chỉnh sửa hay giúp đỡ con. 

Bởi thông thường, cha mẹ có xu hướng chỉ nhìn thấy những lỗi sai của con và mong muốn góp ý, chỉnh sửa cho con mà quên mất điều quan trọng là cần phải kết nối với con trước. Khi kết nối tốt với con thì con mới sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của cha mẹ một cách tích cực và chủ động.

+ Giao tiếp (Communicate): Trong giao tiếp với con, cha mẹ cần tránh sự phán xét mà thay vào đó là sự hỗ trợ. 

Hãy chú ý đến cảm xúc của con nhiều hơn, thay vì chỉ nhìn thấy hành vi. Bởi hành vi dễ dàng nhìn thấy và nhận ra hơn là cảm xúc của con. Nhưng cảm xúc lại là thứ khiến con cảm thấy được cha mẹ thấu hiểu, từ đó con sẽ đưa ra quyết định có sẵn sàng giao tiếp với bố mẹ hay không.

 + Hợp tác (Cooperate): Với các bạn tuổi Teen; việc cùng thảo luận, trao đổi để cùng tìm ra giải pháp sẽ giúp giao tiếp giữa con và cha mẹ hiệu quả hơn. Như vậy, con cảm thấy được tôn trọng, có giá trị và có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.
 

Phụ huynh học sinh tích cực trao đổi, tham gia các hoạt động tương tác tại Hội thảo “Lắng nghe để thấu hiểu - Trò chuyện để dẫn đường” do trường THCS Wellspring tổ chức vừa qua.

5 bước  “hướng dẫn cảm xúc” dành cho cha mẹ

Phương pháp “Hướng dẫn cảm xúc” được xây dựng và phát triển bởi nhà tâm lý học John Gottman. Phương pháp này nhấn mạnh đến việc cha mẹ cần thừa nhận cảm xúc của con nhưng đặt giới hạn cho hành vi; coi những cảm xúc mạnh/tiêu cực là cơ hội để tạo sự gần gũi, thân thiết, cũng là cơ hội để giúp con hiểu rõ cảm xúc bản thân và hướng dẫn con cách ứng xử phù hợp. Khi cha mẹ có phong cách “hướng dẫn cảm xúc” thì con cảm thấy được tôn trọng, tự tin hơn, được khơi gợi tiềm năng để giải quyết vấn đề và có mối quan hệ tích cực với mọi người.

Bưới 1: Nhận ra cảm xúc của con. Cha  mẹ hãy luyện tập cách “đọc cảm xúc” của con, tìm hiểu cảm xúc của con trước khi kết luận. Cha mẹ có thể sử dụng một số câu như: 

“Bố mẹ thấy là hình như có chuyện gì đó xảy ra với con”

“Hình như con đang không ổn. Đã có chuyện gì xảy ra vậy?”

Bước 2: Coi cảm xúc tiêu cực của con như cơ hội để kết nối, gần gũi con. Cha mẹ có thể tiến về phía con, chạm vào con, tập trung hoàn toàn vào con… để con cảm thấy an toàn, được quan tâm. Con càng có cảm xúc mạnh, bố mẹ càng cần bình tĩnh và nhẹ nhàng.

Bưới 3: Lắng nghe và thấu cảm với cảm xúc của con. Cha mẹ cần lắng nghe, tiếp nhận, đồng cảm với câu chuyện, cảm xúc của con bằng cách sử dụng đối thoại tạo sự gần gũi và những câu hỏi mở.

 Cha mẹ có thể sử dụng một số câu như: 

“Cha mẹ có thể hiểu vì sao con lại buồn như vậy. Khi các bạn hiểu lầm và không chơi cùng thì thật buồn và khó chịu”. 

“Nhiều người ở tình huống như con cũng sẽ cảm thấy buồn như vậy”.

“Con cảm thấy thế nào khi các bạn hiểu lầm và không chơi với con?”

Bước 4: Giúp con xác định và gọi tên cảm xúc. Sau khi lắng nghe, thấu cảm, tìm hiểu câu chuyện, cha mẹ hãy giúp con làm sáng tỏ những cảm xúc còn mơ hồ để con hiểu cảm xúc của mình hơn, từ đó, con sẽ có cách thức giải quyết vấn đề tốt hơn.

Cha mẹ có thể sử dụng một số câu như:

“Giờ thì cha mẹ hiểu rằng có lẽ ngoài việc cảm thấy buồn, con còn thấy thất vọng và lo lắng”.

“Cha mẹ đoán là con không chỉ thấy buồn mà còn thấy khó chịu, tức giận”.

Bước 5: Dẫn dắt con có hành động đúng đắn. Cha mẹ hãy đặt câu hỏi để giúp con suy ngẫm tìm giải pháp. Nếu con khó khăn khi đưa ra giải pháp, cha mẹ có thể gợi ý cách thức nhưng hãy lắng nghe cảm nhận của con.

Một số câu nói mà cha mẹ có thể sử dụng:

“Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem sẽ cần làm gì nếu các bạn hiểu lầm và không muốn chơi với mình?”

“Khi các bạn hiểu con và chơi với con thì đúng là sẽ thấy vui. Nhưng con có thể có cách nào khác mà vẫn vui không?”

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho cha mẹ ít nhiều thông tin hữu ích trong hành trình xây dựng mối quan hệ thân thiết với con giai đoạn tuổi Teen. Chúc cha mẹ sẽ đạt được những kết quả tích cực. Cùng chờ đón chuỗi hội thảo Tâm lý dành cho cha mẹ do trường THCS Wellspring tổ chức trong thời gian tới.

Phòng Tâm lý học đường trường THCS Wellspring