Loading...

Đa dạng các hoạt động tương tác của học sinh với bài giảng thông qua các ứng dụng công nghệ

Cô Thu Uyên - giáo viên môn Hóa học trường THCS Wellspring đạt giải Nhì hạng mục chuyên đề Bài giảng kết hợp, cuộc thi WITEACH 2021 - 2022 chia sẻ, học sinh là trung tâm của mọi hoạt động học tập. Vì vậy, với cô Thu Uyên, mỗi tiết học phải khiến học sinh cảm thấy tò mò và mong muốn được khám phá, tìm hiểu mở rộng kiến thức. Kết thúc tiết học, học sinh vận dụng kiến thức để suy luận trả lời câu hỏi định hướng đầu tiết học, mở rộng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn…
 

Với việc áp dụng phương pháp Blended Learning trong dạy - học giúp gia tăng mức độ tương tác của học sinh với bài giảng, tính chủ động của học sinh trong học tập. “Trước tiết học, các con chủ động tìm hiểu nội dung kiến thức của bài học, hoàn thành nhiệm vụ học tập. Trong giờ học, các con tự đúc rút nội dung kiến thức mà mình tìm hiểu được khi tương tác với giáo viên. Sau tiết học, các con tổng kết, đánh giá mức độ hiểu bài để có sự điều chỉnh phù hợp và vận dụng những kiến thức đã được học vào cuộc sống. Điều này giúp các bạn hình thành những năng lực cần thiết của một công dân Toàn cầu: Tư duy độc lập, giao tiếp và hợp tác, chủ động tìm hiểu vấn đề và tự học…” - cô Thu Uyên cho biết.

Điểm khó của việc áp dụng Blended Learning khi học trực tuyến chính là tiết học tương tác trực tiếp trở thành trực tuyến. Giáo viên và học sinh tương tác online hoàn toàn. Như vậy, yêu cầu về tính tự giác và sự chủ động của học sinh cao hơn, còn giáo viên cũng phải theo sát tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ học tập của học sinh hơn, các hoạt động học tập cũng cần được thiết kế hấp dẫn hơn… Tăng tính tương tác của học sinh với bài giảng trong tiết học trực tuyến luôn là một bài toán không hề đơn giản.

Dưới đây những bí quyết của cô Thu Uyên khi thiết kế tiết học trực tuyến nhằm thu hút sự tham gia tối đa của người học.

Chuỗi câu hỏi logic theo mạch bài giảng, hấp dẫn để thu hút sự tập trung, khơi gợi  tính tò mò của học sinh cũng như dẫn dắt gợi mở các vấn đề, nhiệm vụ học sinh cần thực hiện.

Giáo viên cần đa dạng các câu hỏi đặt ra cho học sinh trong tiết học. Câu hỏi cần được thiết kế phù hợp với đối tượng học sinh, số lượng câu hỏi phù hợp trong từng hoạt động để thực hiện mục tiêu của bài học. Câu hỏi được sắp xếp logic theo mạch bài giảng và đa dạng các loại câu hỏi: câu hỏi mở, câu hỏi giả định, câu hỏi làm rõ, câu hỏi so sánh… Dựa trên thang nhận thức Bloom, còn có thể phân loại thành những dạng câu hỏi sau: Nhận biết, đọc hiểu, ận dụng, phân tích,i đánh giá, tổng hợp,...

“Không chỉ có câu hỏi từ giáo viên dành cho học sinh, mình luôn khuyến khích các bạn học sinh chủ động nêu thật nhiều câu hỏi mà các con đang băn khoăn. Câu trả lời gợi mở của giáo viên và đặt câu hỏi ngược lại của học sinh cũng chính là cách khiến các bạn phải tìm hiểu mở rộng, đào sâu kiến thức”- Cô Thu Uyên chia sẻ.

 

Đa dạng hoạt động tương tác của học sinh với bài giảng thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin khi học online.

Với phương pháp pháp Blended Learning, học sinh tìm hiểu trước bài học thông qua phiếu hướng dẫn học tập của giáo viên và sẽ lĩnh hội kiến thức, đào sâu kiến thức trong quá trình trao đổi, tương tác tại lớp học chính khóa với giáo viên và các thành viên trong lớp. Khi hoạt động trao đổi trực tiếp trở thành trực tuyến thì vai trò của giáo viên là tổ chức các hoạt động thú vị để học sinh hào hứng tham gia.

Cô Thu Uyên đã thực hiện đa dạng hoạt động tương tác của học sinh với bài giảng thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin khi học online.

Kahoot, Quizizz: học sinh tương tác trả lời các câu hỏi nhanh đầu tiết học mở đầu dẫn dắt vào bài hoặc cuối tiết học để kiểm tra kiến thức học sinh đã nắm được.

Microsoft Form: Học sinh tương tác trả lời câu hỏi, đồng thời đặt những câu hỏi/ sự tò mò về bài học tới giáo viên trước tiết học.

Padlet: Học sinh chia sẻ thông tin giải quyết các nhiệm vụ theo nhóm hay vấn đề của giáo viên đưa ra. Với những tính năng của ứng dụng, học sinh chia sẻ thông tin theo dạng văn bản, hoặc ảnh, video, đường dẫn…. Học sinh dễ dàng theo dõi ý tưởng của các thành viên khác trong lớp theo từng vấn đề. 

Flipgrid: Học sinh thảo luận bằng video để mọi thành viên nhìn thấy và nghe được như trong không gian lớp học trực tiếp. Từ đó, đẩy mạnh môi trường học tập vui vẻ và hợp tác.

 

Học sinh phải liên hệ kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

Mục tiêu cuối cùng của bài học theo thang tư duy Bloom là vận dụng kiến thức để suy luận trả lời câu hỏi định hướng, mở rộng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn…

Giáo viên không chỉ lấy những dẫn chứng trong cuộc sống hàng ngày để học sinh dễ dàng hình dung, liên hệ với nội dung bài giảng mà kết thúc tiết học, học sinh đưa ra quan điểm, giải thích những vấn đề trong thực tế trên dựa nền tảng kiến thức đã được học.

Khi học sinh cảm thấy kiến thức được học luôn gắn liền với cuộc sống, giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống, các bạn sẽ ý thức được mục đích học tập cũng như có thái độ tích cực trong học tập.

 

Xin cảm ơn những chia sẻ của cô Thu Uyên. Hy vọng, cô Thu Uyên luôn giữ vững nhiệt huyết, tinh thần đổi mới sáng tạo để mang đến các WISHers những tiết học thú vị và bổ ích. Cùng chờ đón những dự án, hoạt động dạy - học của các WISHers trong thời gian tới.