Loading...

Bỏ túi những thông tin hữu ích từ Tọa đàm: “Internet and AI in the Future: What we need to prepare?”

Tại buổi Tọa đàm: “Internet and AI in the Future: What we need to prepare?” do trường PTSNLC Wellspring tổ chức vào cuối tuần vừa qua; nhiều câu hỏi được phụ huynh đặt ra như: Con có nguy cơ gặp nhiều rủi ro trên mạng internet như vậy, có nên “tịch thu” các thiết bị công nghệ của con ngoài giờ học? Khi nào thì con được phép sử dụng các thiết bị công nghệ một cách tự do? Cha mẹ cần làm gì và học thêm những gì để đồng hành cùng con trong kỷ nguyên số? Nhà trường giáo dục con sẽ tốt hơn cha mẹ giáo dục con? 

Trước những băn khoăn của phụ huynh, các diễn giả khách mời và đại diện Ban giám hiệu Nhà trường đã mang đến nhiều thông tin hữu ích về việc đồng hành cùng con chuẩn bị hành trang “làm chủ” trong kỷ nguyên số.


 
Thế hệ trẻ cần được giáo dục, trang bị “kỹ năng số” - “vắc xin kỹ năng” để chống lại với những rủi ro môi trường mạng.
 

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ có nhiều đột phá lớn, có tính cạnh tranh cao. Điển hình là sự ra đời của công cụ Chat GPT đã cho thấy những tính năng nổi trội mà Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại. Vậy thế hệ gen Z, thế hệ Alpha sinh ra và lớn lên trong hơi thở của công nghệ cần chuẩn bị hành trang gì để “làm chủ” những lợi thế và phòng tránh những mặt trái của công nghệ hay mạng xã hội mang lại.

Tại buổi Tọa đàm: “Internet and AI in the Future: What we need to prepare?” do trường PTSNLC Wellspring tổ chức vào ngày 15/04/2023, các diễn giả khách mời và đại diện Ban giám hiệu Nhà trường đã mang đến nhiều thông tin hữu ích về việc đồng hành cùng con chuẩn bị hành trang
“làm chủ” trong kỷ nguyên số.

Theo diễn giả Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững MSD chia sẻ: "Chính các em nhỏ mới là người tạo nên sự thay đổi để xây dựng một môi trường mạng lành mạnh và an toàn. Để làm được điều đó, mỗi trẻ em cần được giáo dục, trang bị và tự hình thành những kỹ năng số của bản thân, tăng "sức đề kháng" chống chọi với những rủi ro môi trường mạng bằng "vaccine kỹ năng";  Nhà trường và gia đình đóng vai trò là những người đồng hành cùng trẻ, tôn trọng quyền sử dụng internet của trẻ và trên cơ sở vì lợi ích tốt nhất của con em của chúng ta. Từ đó hỗ trợ trong việc giáo dục chăm sóc và bảo vệ trẻ, chứ không phải là ngăn cấm trẻ, bao bọc trẻ quá sức để trẻ không được tận hưởng lợi ích mà Internet mang lại".

Những công dân số chuẩn mà diễn giả Phương Linh đề cập đến là SNET, trong đó NET là Internet, Network, còn S là SAFE - an toàn (kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, gia đình và bạn bè an toàn trên môi trường mạng), SMART - thông minh (sử dụng Internet thông minh, tận dụng những thành tựu của công nghệ để có thể phục vụ cho học tập vui chơi giải trí của mình trên môi trường mạng),  SUPERB - tuyệt vời (những trải nghiệm tuyệt vời trên không gian mạng), SUPER- siêu nhân (những người mà không phải chỉ để bảo vệ bản thân, mà còn phải có trách nhiệm đối với việc xây dựng một mạng lưới an toàn và lành mạnh).

Diễn giả Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững MSD chia sẻ tới các phụ huynh về những công dân số chuẩn "SNET"

Thầy Nguyễn Vĩnh Sơn - Quyền Tổng Hiệu trưởng Nhà trường và diễn giả Lê Công Thành - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty InfoRe Technology bổ sung, nhấn mạnh thêm: Kỹ năng tư duy và lòng thấu cảm là một trong những hành trang cần thiết mà thế hệ trẻ cần có trong kỷ nguyên số. Kỹ năng tư duy để mỗi bạn trẻ biết nhận định đúng - sai trước những luồng thông tin nhận được hay trước một vấn đề. Lòng thấu cảm sẽ là sợi dây gắn kết giữa con người với con người, cũng như để mỗi cá nhân có một đời sống tinh thần lành mạnh, luôn cảm nhận tình yêu thương, sống hạnh phúc hơn. Bên cạnh đó, năng lực tự học -  học tập suốt đời cũng là một trong những năng lực quan trọng cần thiết ở thời đại hiện nay.

Diễn giả Lê Công Thành - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty InfoRe Technology chia sẻ thông tin về Trí tuệ nhân tạo tại buổi Tọa đàm
Thái độ của cha mẹ khi đồng hành cùng con rất quan trọng.
 

Theo thầy Nguyễn Vĩnh Sơn - Quyền Tổng Hiệu trưởng Nhà trường: "Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của mỗi đứa trẻ từ khi chào đời. Chính vì vậy, không ai khác, cha mẹ chính là người có vai trò quan trọng cùng với Nhà trường để đồng hành, giáo dục con “làm chủ” trong kỷ nguyên số".

“Thời gian, sự hiện diện luôn có mặt khi cần thiết của cha mẹ chính là món quà tuyệt vời trong hành trình trưởng thành của con” - Đó là lời nhắn nhủ của thầy Sơn gửi đến các cha mẹ tại buổi Tọa đàm.

 

Thầy Vĩnh Sơn - đại diện Ban giám hiệu Nhà trường đã truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực đến những phụ huynh đang cảm thấy hoang mang
khi đồng hành cùng con trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ.

 

Hoàn toàn đồng ý với những chia sẻ của thầy Vĩnh Sơn, diễn giả Phương Linh với góc nhìn của một chuyên gia thực hiện các chính sách bảo vệ quyền trẻ em và cũng đặt mình vào vị trí của một người mẹ có con thế hệ gen Z, diễn giả gửi đến buổi tọa đàm thông điệp: Cha mẹ thông thái trong kỷ nguyên số là học hết tất cả mọi thứ để có thể dạy con mình mọi thứ? Cha mẹ không cần phải học tất cả để chứng minh mình giỏi hơn con, mà quan trọng là cha mẹ cần thể hiện mình là một tấm gương để con noi theo. Khi những quy định được đặt ra cho con thì cha mẹ cũng cần thực hiện để con noi gương. Cha mẹ hãy thể hiện một tinh thần/ thái độ sẵn sàng học tập cùng con và thậm chí là từ con. Hãy cho con thấy con không đơn độc mà cha mẹ luôn ở bên con, cùng con tìm mọi giải pháp khi con cần. Đừng cố chứng tỏ mình giỏi hơn con. Thái độ của cha mẹ khi đồng hành cùng con như thế nào mới là điều quan trọng. Đó là yếu tố quyết định con có hoặc không sẵn sàng “mở lòng” với cha mẹ.

Bên cạnh đó, trước những phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ, Trí tuệ nhân tạo (AI); mọi công cụ ra đời đều có quy định về giới hạn độ tuổi đối với người dùng. Tuân thủ hay vượt rào quy định là lựa chọn của chúng ta. Mỗi phụ huynh hãy tự đặt câu hỏi và trả lời: Các con có đang vượt rào khỏi những quy định đó chưa, cha mẹ có sẵn sàng để con vượt rào hay không, cha mẹ đã tìm hiểu những gì con em chúng ta phải đối mặt khi vượt rào quy định… Tất cả cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra mọi quyết định.

Học sinh có cần đến trường trong kỷ nguyên số?
 

AI phát triển mạnh mẽ, một loạt các câu hỏi hoài nghi về sự thay thế sức lao động của con người được đặt ra, trong lĩnh vực giáo dục cũng không ngoại lệ. Liệu trong tương lai, các thầy cô giáo sẽ bị thay thế bởi những công cụ AI? Học sinh có cần đến trường trong kỷ nguyên số?

Phụ huynh tham gia Tọa đàm hào hứng đặt câu hỏi, trao đổi cùng các diễn giả

 

Sự khác biệt giữa Nhà trường so với công cụ AI là ở tính kết nối giữa con người với con người, nó tạo ra cảm xúc, sự thấu cảm. Trường học không chỉ thực hiện nhiệm vụ tạo ra môi trường để mỗi học sinh tiếp cận, lĩnh hội tri thức mà ở đó mỗi cá nhân cần được phát triển toàn diện ở các mặt: Trí tuệ - Thể chất - Tâm hồn. Học sinh được giáo dục và rèn luyện nhân cách.

Trường học là nơi để mỗi học sinh được giao tiếp, cảm nhận tình yêu thương, trải qua các cung bậc của cảm xúc. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động giáo dục; sự có mặt của thầy cô là để phát hiện, động viên và khích lệ mỗi cá nhân phát huy những thế mạnh, khắc phục những điểm hạn chế của mình. 

Tại Wellspring, học sinh được tiếp cận kiến thức về công nghệ ở nhiều phương diện như: Các môn học chính khóa (Khoa học máy tính, Vật lý - STEM,…), câu lạc bộ, dự án/sự kiện… Học sinh cũng được ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ các hoạt động học tập hiệu quả, hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, trong chương trình Phát triển toàn diện, học sinh được giáo dục và trang bị các kỹ năng cần thiết để hiểu đúng và làm chủ công nghệ, an toàn trong không gian mạng.

Không thể phủ nhận những ưu điểm mà công nghệ mang lại, điều quan trọng là chúng ta không lạm dụng và cần làm chủ các công cụ đó. Trong buổi Tọa đàm, các phụ huynh cũng đặt nhiều câu hỏi về việc định hướng nghề nghiệp của con đi theo lĩnh vực Khoa học máy tính, con muốn khởi nghiệp các công ty công nghệ… Trong thời gian tới, Wellspring hứa hẹn sẽ có thêm nhiều Hội thảo hữu ích liên quan đến các nội dung này.