Loading...

Bí quyết để tiết dạy luôn hiệu quả và cách "tạo động lực" cho học sinh

Cô Đồng Thái Hà - giáo viên môn Toán học trường THCS Wellspring xuất sắc đạt thành tích giải Nhì hạng mục chuyên đề Bài giảng kết hợp, cuộc thi giáo viên sáng tạo WITEACH (2021 - 2022) do trường PTSNLC Wellspring tổ chức. Với 12  năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và 8 gắn bó tại Wellspring, những tiết dạy của cô Hà luôn “chinh phục” được các bạn học sinh hào hứng tham gia vào các hoạt động học tập.
 

Cô Hà cho rằng, học sinh luôn là trung tâm trong các hoạt động học tập. Vì vậy, một tiết học hiệu quả và thành công là khi học sinh hào hứng, tích cực chủ động khám phá kiến thức. Cô Hà luôn bắt đầu bài học từ những tình huống từ thực tế, những vấn đề của chính học sinh gặp phải để kiến thức trở nên gần gũi và dễ hiểu. Từ đó, các con ứng dụng những điều đã học để giải quyết tình huống của chính mình. Bên cạnh việc giúp học sinh lĩnh hội kiến thức môn học, các bạn còn rèn luyện và phát triển các kỹ năng mềm, năng lực chung.

Vai trò quan trọng của giáo viên khi áp dụng phương pháp Blended Learning khi học trực tuyến

Cô Hà cho biết, đối với hạng mục chuyên đề Bài giảng kết hợp, giáo viên thực hiện  áp dụng phương pháp Blended Learning trong giảng dạy. Những ưu điểm của phương pháp dạy học này là học sinh có nhiều cơ hội hơn để thể hiện bản thân và chủ động lĩnh hội kiến thức khi tự tìm hiểu tại nhà cũng như tại lớp học; điều đó làm gia tăng mức độ tương tác của học sinh với bài giảng, kiến thức được khắc sâu hơn trong tâm trí người học. Tuy nhiên, đối với học sinh bậc THCS và bối cảnh dạy - học trực tuyến 100%, vai trò của giáo viên trong việc triển khai phương pháp này một cách hiệu quả không hề đơn giản.

Lúc này giáo viên phải thực sự hiểu học sinh của mình cùng với sự linh hoạt, sáng tạo để lựa chọn và thiết kế những hoạt động học tập phù hợp. Ví dụ như, học sinh gặp khó khăn về sự tập trung, hay tính tự giác chưa cao thì giáo viên phải dành thời gian để thiết kế hoạt động hấp dẫn, phiếu hướng dẫn học tập rõ ràng các yêu cầu, luôn có mặt để tư vấn và góp ý kịp thời… Nhưng sự hỗ trợ của giáo viên cần “vừa đủ” để học sinh thể hiện sự chủ động tìm hiểu, lĩnh hội kiến thức bài học.

“Điểm mấu chốt tạo nên thành công khi tổ chức tiết học trực tuyến  là khơi dậy sự đam mê, khát khao chinh phục các thử thách của học sinh. Khi giáo viên khiến học sinh tò mò, hứng thú với bài học sẽ giúp các con tập trung trong giờ học, chủ động khắc phục và vượt qua mọi khó khăn để lĩnh hội kiến thức” - Cô Đồng Thái Hà chia sẻ.

03 bí quyết tạo nên sự thành công của tiết học và cách “tạo động lực” học tập cho học sinh

Vận dụng các kỹ thuật dạy học theo tiến trình tư duy (See - Think - Wonder) và học sâu (Deep learning) giúp học sinh từng bước chinh phục kiến thức.

Kỹ thuật dạy học theo tiến trình tư duy đi từ Quan sát - Suy nghĩ - Tưởng tượng giúp học sinh khơi gợi trí sáng tạo. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ định hướng, tổ chức các hoạt động giúp học sinh hiểu sâu một vấn đề; từ đó học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống trong thực tiễn. Học sinh được khám phá những điều mới mẻ thay vì tiếp nhận những kiến thức “rập khuôn”.

Nội dung bài giảng gần gũi, gắn với cuộc sống để học sinh dễ dàng hình dung và ứng dụng.

Những tiết học luôn bắt đầu từ những tình huống, khó khăn của học sinh. Thậm chí, dạy học từ những sai lầm, mâu thuẫn mà học sinh gặp phải. Khi kiến thức bài học, môn học giải quyết được vấn đề học sinh “đang mắc phải” sẽ kích thích sự hào hứng, tạo động lực học tập cho học sinh.

Ví dụ như, từ kiến thức về phương trình bậc nhất một ẩn, học sinh học cách vận dụng phân tích vào chính tình huống gặp phải trong thực tiễn như làm thế nào để lập kế hoạch chi tiêu tổ chức liên hoan lớp với một số tiền nhất định và hơn nữa là lập kế hoạch tiết kiệm để đạt được một mục tiêu tài chính của mình.   
  

Khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức vào ứng dụng thực tế kèm theo những phần thưởng khích lệ để động viên sự cố gắng của học sinh.

Sau mỗi chương học hay chuyên đề, thầy cô thiết kế dự án ngoại khóa để học sinh tổng hợp, khắc sâu những kiến thức đã học thông qua các hoạt động thực hành. Ví dụ, dự án SAS (Spending and saving) do các thầy cô Tổ Toán đang triển khai với học sinh khối 8, 9 gắn với các kiến thức liên quan đến hàm số và đồ thị hàm số. Dự án  nhằm mục tiêu tạo cơ hội để học sinh hiểu đúng về tiền tệ, giá trị sức lao động, phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn để đưa ra quyết định chi tiêu đúng đắn. Từ đó, học sinh trở thành những nhà tiêu dùng thông thái cũng như có trách nhiệm hơn với tình hình tài chính của gia đình ở hiện tại và vấn đề tài chính cá nhân trong tương lai.

Đặc biệt, việc giáo viên luôn hỏi học sinh về những điều đã ứng dụng được vào trong thực tế. Lắng nghe những chia sẻ của các bạn cùng phần thưởng động viên là cách thức tuyệt vời khiến học sinh “tự mình” thực hành kiến thức, cũng như tạo thói quen để học sinh luôn ý thức việc vận dụng những điều đã học để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Bởi mục tiêu của giáo dục hiện đại chính việc học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng làm chủ cuộc sống.

Chính vì vậy, những tiết dạy của cô Hà luôn khiến các bạn học sinh hào hứng tham gia và làm chủ các hoạt động học tập. Xin cảm ơn cô giáo Đồng Thái Hà, xin chúc cô Hà cùng các giáo viên Nhà trường luôn sáng tạo, đổi mới cùng với tình yêu nghề để mang đến học sinh những trải nghiệm học tập thú vị.