Loading...

Á Quân WITEACH 2021 - 2022 Chuyên mục Bài giảng kết hợp: Giáo viên phải hiểu rõ học sinh của mình

WITEACH 2021 - 2022 đã đi được gần hai phần ba chặng đường. Đối với các thầy cô trường Wellspring, không có gì có thể ngăn cản được sức sáng tạo và lòng yêu nghề giáo. Các thầy cô luôn sẵn sàng cập nhật những phương pháp tối ưu nhất cũng như xu hướng công nghệ, ứng dụng tích hợp vào bài giảng của mình để có thể linh hoạt truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho học sinh trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp. Không những vậy, một trong những yếu tố quan trọng nhất mà cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên dạy Toán Trường THPT Wellspring, người đã đạt Giải Nhì Chuyên đề Bài Giảng Kết hợp đã chia sẻ, đó chính là thấu hiểu và lắng nghe học sinh để có được một cái nhìn đa chiều


1. Cô giáo có cảm nhận thế nào về vai trò của học sinh trong việc xây dựng “Bài giảng kết hợp” trong tiết học của mình. Điều này giúp ích gì cho các em sau này? 

Học sinh đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng bài giảng kết hợp. Các em là một phần không thể thiếu giúp bài giảng trở nên hoàn thiện. Trước tiết học, các bạn được tham gia hoạt động nhóm cùng với nhau, cùng nhau tìm hiểu về một chủ đề, cùng nhau xây dựng bài giảng, tìm kiếm các dẫn chứng cụ thể của các nội dung trong chủ đề của cả nhóm, cùng nhau tương tác với các bạn khác trong lớp, cũng chính các em là người trình bày nội dung của nhóm mình cho cả lớp. Điều này không chỉ giúp em các linh hoạt, chủ động, sáng tạo hơn trong học tập, kích thích sự tò mò với kiến thức mới mà còn giúp các em phát triển thêm các kỹ năng mềm cơ bản như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, .... Tiết học giúp các em có cái nhìn gần gũi hơn về các ứng dụng của Toán học trong đời sống. Bài giảng kết hợp “Ứng dụng của hàm số lũy thừa, mũ và loga trong bài toán lãi đơn, lãi kép” là một minh chứng, giúp các em hiểu hơn về lãi suất, tín dụng. Các em có thể sử dụng kỹ năng này trong đời sống hàng ngày để bắt đầu làm quen và có hiểu biết để quản lý tài chính cá nhân một cách dễ dàng, hiệu quả hơn.

2. Blended learning là phương pháp kết hợp online và offline. Tuy nhiên, hiện nay các thầy cô phải tiến hành các biểu học offline bằng buổi học trực tuyến. Thông qua kết quả và mức độ tiếp thu của học sinh, áp dụng blended learning khi học trực tuyến có thực sự giảm hiệu quả so với học trực tiếp không, đâu là khó khăn đối với cô? Vậy, theo cô đâu là điểm mấu chốt tạo nên thành công khi tổ chức tiết học trực tuyến như vậy?

Hiệu quả của một tiết học trực tuyến phụ thuộc nhiều yếu tố. Tôi không khẳng định việc học trực tuyến giảm hiệu quả so với học trực tiếp, thậm chí có những nội dung tiết học mà khi các thầy cô tận dụng được lợi thế online thì còn đạt hiệu quả hơn nhiều so với học offline. Tất nhiên khó khăn khi học trực tuyến thì ai cũng biết, và tôi cũng vậy, đó là làm sao để khơi gợi sự hào hứng và tương tác của học sinh và với mục đích cuối cùng là học sinh có thể lĩnh hội kiến thức và rèn luyện kỹ năng môn học. Mấu chốt của một tiết học trực tuyến hiệu quả là giáo viên phải hiểu rõ học sinh của mình. Có hiểu được học sinh của mình thì thầy cô mới có những cách đúng đắn để làm cho tiết học hiệu quả.

3. Chia sẻ những bí quyết cô rút ra sau nội dung “Bài giảng kết hợp” trong chính tiết dạy của mình? Với những thành tích mình đã đạt được, cô có thông điệp nào muốn truyền tải đến những người đồng nghiệp của mình hay điều gửi muốn gửi đến BTC?

“Tôi muốn học, muốn đổi mới nhiều hơn nữa”. Trong thời đại Công nghệ Thông tin (CNTT) phát triển, mọi tri thức được cập nhật từng giờ từng phút, chỉ cần bản thân dừng lại là chúng ta đã bỏ lỡ vô vàn thông tin. Để “Bài giảng kết hợp” được trọn vẹn, đạt kết quả tốt nhất bên cạnh việc đúng về chuyên môn, mỗi giáo viên cần phải không ngừng nâng cao kỹ năng trong việc tìm tòi, ứng dụng công nghệ thông tin và tích cực đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Nội dung bài giảng cần liên kết với các ví dụ gần gũi trong đời sống hàng ngày, giúp học sinh có cái nhìn rõ hơn không chỉ về lý thuyết mà còn biết ứng dụng bài học vào cuộc sống của mình.

4. Dự định của cô khi tham gia những nội dung tiếp theo.
Tôi sẽ tiếp tục học hỏi để trau dồi và phát huy nhiều hơn những ứng dụng CNTT để xây dựng bài giảng online, offline. Kết hợp những ứng dụng mô phỏng trực quan hơn, từ đó giúp học sinh có những trải nghiệm mới lạ hơn trong các tiết học số, tăng sự tương tác, tập trung để các em thêm yêu và hiểu: môn Toán không hề khô khan, Toán học thực ra rất gần gũi và luôn hiện hữu trong đời sống của chúng ta.

5. Một số chia sẻ khác từ cô giáo.
Để theo dõi các xu thế mới về CNTT, giáo viên có thể tham gia các group cộng đồng ở các nền tảng mạng xã hội để theo dõi các cập nhật từ các thành viên trong nhóm. Từ đó, bản thân có thể trau dồi thêm được nhiều kỹ năng, kiến thức mới từ các thầy cô khác chia sẻ. Không những vậy, trong quá trình giảng dạy và cộng tác cùng các em học sinh, thầy cô chúng ta cũng có thể học tập được rất nhiều điều từ học trò của mình, nhất là những góc nhìn vấn đề đa chiều, mới mẻ thoát ly lối mòn của các em và những xu thế CNTT mới cũng được các bạn ấy cập nhật rất nhanh khiến thầy cô đôi khi cũng phải “gật gù”.