Loading...

5 cách giúp WISHer nuôi dưỡng khả năng hiểu bản thân

Tự chủ trong học tập hay tự chủ trong cuộc sống là một năng lực cần thiết ở mỗi học sinh thế kỷ XXI cần có. Tuy nhiên, để học sinh hình thành, rèn luyện và phát triển sự tự chủ cần có một quá trình cũng như sự phối hợp giữa gia đình và Nhà trường. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng năng lực tự chủ ở học sinh chính là việc học sinh cần hiểu bản thân mình cũng như tự nhận thức được vấn đề xung quanh mình và ra quyết định có trách nhiệm.
Trong tuần khởi động đầu năm học 2021 - 2022, thông qua sự dẫn dắt của thầy cô, WISHer khối 6 tham gia các hoạt động hấp dẫn để tìm hiểu về bản thân mình (hiểu về những điểm mạnh và điểm hạn chế của bản thân) cũng như ý thức được tầm quan trọng của việc hiểu bản thân. Từ đó, WISHers sẽ ý thức được việc biết mình cần gì, muốn gì, nhận thức được giá trị bản thân, đặt niềm tin vào chính mình, hiểu và điều chỉnh được  suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của mình.
 

Sau khi xem một đoạn phim ngắn, các WISHers đã cùng nhau suy ngẫm, hào hứng chia sẻ về việc hiểu bản thân cũng như các cách để hiểu bản thân mà mình biết và đã thực hiện.

 
 

WISHers khối 6 hệ Song Ngữ Hoa Kỳ Toán - Công nghệ hào hứng chia sẻ các cách để hiểu bản thân mà mình biết và đã thực hiện.

Giáo viên tiếp tục dẫn dắt để WISHers hào hứng chia sẻ những điều hài lòng và cần khắc phục của bản thân một cách thẳng thắn, cởi mở. Từ đó, WISHers đặt mục tiêu trong thời gian tới  dựa trên những điểm mạnh của bản thân và quyết tâm thay đổi những điểm cần khắc phục.
 

Các WISHers khối 6 hệ Song Ngữ Hoa Kỳ Toán - Công nghệ chia sẻ mục tiêu trong thời gian tới dựa trên
những điểm mạnh của bản thân


5 cách giúp WISHers nuôi dưỡng khả năng hiểu bản thân

Qua tiết sinh hoạt, các WISHers đã được thầy cô chia sẻ và hướng dẫn 5 cách để nuôi dưỡng khả năng hiểu bản thân.

  • Dành thời gian cho bản thân để kết nối với chính mình
 

Đây là khoảng thời gian để các bạn lắng nghe cảm xúc của chính mình, nhìn nhận lại những hành động/ việc mà mình đã thực hiện để đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

Đây cũng có thể là khoảng thời gian để thư giãn, giải tỏa những căng thẳng thông qua các hoạt động tùy theo sở thích của cá nhân như: nghe nhạc, đọc sách, chăm sóc cây cối… Dành thời gian cho bản thân để đón nhận những nguồn năng lượng tích cực sẽ giúp chúng ta cân bằng cuộc sống, thêm yêu chính mình và yêu cuộc sống hơn.

  • Ghi chép hàng ngày

Ghi ghép hàng ngày không chỉ có ý nghĩa trong việc lưu giữ những ý tưởng, ghi nhớ những công việc quan trọng mà còn mang lại nhiều lợi ích khác. 

Ghi chép lại những trải nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc hay điều quan sát thấy từ xung quanh... mà bạn trải qua trong một ngày. Đấy cũng chính là cách giải tỏa cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực thông qua hoạt động viết. 


Ghi chép lại những cảm xúc của mình chính là cách để mình trung thực với bản thân. Đây là cơ sở để khi bạn bình tĩnh, nhìn nhận lại vấn đề, các bạn sẽ đưa ra những quyết định phù hợp. Bên cạnh đó, việc đọc lại những điều mình ghi chép để thấy được sự tiến triển của bản thân như thế nào trong thời gian qua cũng như đặt mục tiêu, kế hoạch phát triển bản thân trong thời gian tới.

  • Rèn luyện khả năng lắng nghe

Lắng nghe là khi bạn thật sự tập trung tâm trí vào lời nói, cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể của người khác. Khi lắng nghe, bạn sẽ dễ dàng thấu cảm với người khác một cách tôn trọng mà không đưa ra đánh giá hay phán xét. Khi bạn có khả năng lắng nghe người khác tốt, bạn cũng sẽ lắng nghe được chính mình, hiểu bản thân hơn, kết nối với chính mình tốt hơn và phát huy được các giá trị của mình.

  • Tham khảo ý kiến mọi người

Tham khảo ý kiến nhận xét của mọi người về mình sẽ giúp bạn hiểu bản thân hơn và trở nên tốt hơn. Tham khảo ý kiến của người khác một cách hiệu quả là khi bạn biết chắt lọc những ý kiến tích cực, khách quan để hiểu hơn về mình dưới góc nhìn của mọi người xung quanh. Từ đó, bạn thấu hiểu hơn “bức tranh toàn cảnh” về con người của chính mình.

  • Chú tâm/ tập trung trong mọi hoạt động

Khi bạn chú tâm cảm nhận, quan sát những gì diễn ra bên trong con người mình và xung quanh mình một cách tĩnh lặng, bạn sẽ hiểu hơn về chính mình và cuộc sống xung quanh. Tất cả suy nghĩ, lời nói, hành động của bạn đều cần được chú tâm thực hiện để có thể đạt hiệu quả tốt nhất.

Hãy hết mình cho giây phút hiện tại một cách có ý thức và trách nhiệm.Từ đó, mỗi cá nhân sẽ có trạng thái tích cực để hoàn thành công việc tốt nhất.


Theo nghiên cứu và công bố từ Diễn đàn kinh tế Thế giới: Khả năng phục hồi, khả năng chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt thuộc top 5 trong 10 kỹ năng cần có ở người lao động cho đến năm 2025. 

Năm học 2021 - 2022, bên cạnh mục tiêu phát triển các năng lực công dân toàn cầu thế kỷ XXI đối với học sinh, trường THCS Wellspring chú trọng mục tiêu giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội ( SEL – Social & Emotional Learning).

Với năng lực cảm xúc và xã hội (SEL), học sinh hình sẽ hình thành và phát triển các kỹ năng: Tự nhận thức, tự quản lý, nhận thức xã hội, kỹ năng làm chủ các mối quan hệ và ra quyết định có trách nhiệm. Điều này không chỉ cung cấp nền tảng cho việc học tập an toàn, tích cực chủ động và hiệu quả của học sinh trong trường học, cuộc sống mà giúp học sinh tăng các hành vi xã hội (sự tử tế, chia sẻ, đồng cảm), cải thiện thái độ của học sinh đối với trường học và làm giảm trầm cảm, căng thẳng của học sinh.

Trong năm học này, Nhà trường cũng thiết kế câu lạc bộ “Hiểu về trái tim” để WISHers thực hành rèn luyện, phát triển năng lực cảm xúc - xã hội.