Loading...

Việc giáo viên là lùi mình một chút, nhường chỗ cho sự tò mò của học sinh

Là giáo viên có lẽ ai cũng trăn trở về việc làm sao để giáo dục hiệu quả, học sinh học đúng thứ chúng cần và thích. Chúng tôi cứ bàn đi bàn lại với nhau những vấn đề đó, cả lãnh đạo và nhân viên cùng thử nhiều cách khác nhau. PEN cũng là một nơi mà chúng tôi được gửi đến với nhiều hy vọng và những điều đã được bàn luận ở đó khiến cho mọi người đều cảm thấy tin yêu hơn với nghề, với những con đường mà mình đang đi.

Chủ đề Giảng dạy Trực tuyến thông qua Mạng xã hội (Digital Learning Through Social Media) được khơi gợi và tạo nên thảo luận sôi nổi bởi TS. Ian Kalman - Tiến sĩ Đại học McGill, Giảng viên ​Đại học Fulbright Việt Nam tại Hội thảo PEN 2020

Dạy học cần thấu cảm

Những bức tranh cuốn hút hơn một slide toàn chữ, một đoạn nhạc bắt tai thu hút hơn giọng đọc đều đều, gõ bàn phím khiến người ta bước đầu mạnh dạn hơn là đứng dậy nói ngay trước đám đông… đó là những hành vi mà chúng tôi tự quan sát và rút ra kết luận dưới sự hướng dẫn của giáo sư Nhân dạng học Ian Kalman. Những kết luận bên trên thì không mới, nhưng khi đóng vai là chính người học và nhận thấy những hành xử tương tự giữa những người học thì chính các giáo viên hẳn sẽ có những cảm nhận sâu sắc hơn về việc học sinh cần một tiết học hấp dẫn đến như thế nào. Ngoài những thông tin truyền đạt, thì sự thấu cảm giữa con người với con người cũng đảm bảo một phần hiệu quả của thông tin. Đó đôi khi là cách đi chậm nhưng chắc, nói ít nhưng hiểu nhiều. Ưu nhược của mỗi biện pháp, sự phù hợp đối với mỗi đối tượng học sinh thì còn cần được bàn đến nhiều, nhưng cái mà mỗi thầy cô chúng tôi mang trong trái tim mình không phải chỉ là những deadlines cần hoàn thành, những con số cần đạt được mà còn là sự hứng thú ánh lên trong mắt những đứa trẻ mỗi giờ lên lớp. Làm được điều đó, có lẽ chúng ta sẽ giữ được niềm yêu thích học tập cho trẻ con ngay cả khi đã là người lớn rồi. 

Hãy lùi mình một chút, nhường chỗ cho sự tò mò của học sinh

Một giáo viên, với lòng nhiệt thành của mình, đôi lúc say sưa vào các bài giảng và sự truyền thụ của mình mà vô hình trung lại đang lặp lại mô hình “rót” kiến thức từ rất lâu mà cũng đã thể hiện nhiều yếu thế trước những yêu cầu của thời đại. Với những trải nghiệm trong vai người học, dưới sự hướng dẫn của thầy Chí Hiếu, chúng tôi đã thảo luận với nhau những cách mà giáo viên có thể giảm bớt vai trò là người quy định một đáp án đúng,  để những đáp án mở cho học sinh, khuyến khích sự nhìn nhận và tìm giải pháp dưới nhiều góc độ khác nhau….Các cách làm khác nhau, hẳn cũng không có duy nhất một đáp án đúng mà còn cần rất nhiều sự quan sát và cải tiến nữa nhưng với những người đồng nghiệp đang say sưa mỗi ngày để học cách “bớt” làm giáo viên mà thay vào đó là những người hướng dẫn, người truyền cảm hứng hay những cộng sự,  thì tôi tin rằng chúng ta sẽ có một thế hệ học trò thích học và học hiệu quả hơn.

Học ít thôi, nhưng hãy học sâu

Đó là một cách dịch tạm của Deep learning, một lý thuyết mà đã có lần chúng tôi được thầy Vĩnh Sơn - sau chuyến du học ngắn hạn tại đại học Harvard - truyền đạt, nay tiếp tục được khai thác ở PEN. Tại sao chúng ta dành đến 12 năm học Toán mà đến lúc cần tính diện tích một căn nhà, hay ước chừng lượng điện tiêu thụ mỗi tháng thì lại lúng túng? Đôi khi học rộng, nhưng chỉ để giải bài tập dẫn đến tình trạng nêu trên. Người giáo viên cần nối kết những kiến thức nền với những ứng dụng trong đời sống thực tế để những kiến thức ấy được ứng dụng và thực hành mỗi ngày, có thế thì mới gọi là học sâu được, và nếu học được sâu thì có lẽ trẻ con vẫn có thời gian chơi và cảm nhận cuộc sống thay vì ngồi mải miết ở các lớp học thêm và mang cả áp lực điểm số vào giấc ngủ.

Chủ đề Chính niệm và từ tâm trong giảng dạy (Mindfulness and Compassion in Teaching) để giúp mỗi học sinh được phát triển tốt hơn từng ngày với sự trình bày của TS. Nguyễn Nam - Tiến sĩ Đại học Harvard, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam.

Người thầy chánh niệm thì mới có người trò hạnh phúc

Cứ tưởng hội thảo về giáo dục thì cứ bàn về phương pháp và công cụ thôi, nhưng chúng tôi lại dành ra ¼ thời lượng để thực hành chánh niệm với thầy Nguyễn Nam. Có lẽ chỉ qua thực hành, tự quan sát những diễn biến tâm lý của mình, đối đầu với những căng thẳng, mệt mỏi, tha thứ cho nó, quan sát để nhận diện nó và yêu thương nó thì chúng tôi mới nhận ra giá trị của việc cân bằng đáng giá thế nào. Đôi khi cứ mải miết đa nhiệm mà người ta không biết rằng mình vô tình làm giảm chất lượng của công việc và các mối quan hệ xung quanh. Một người thầy mệt mỏi thì dù nhiều kỹ thuật, phương pháp đến mấy cũng sẽ đâu đó để lộ những năng lượng tiêu cực lên cách chọn hoạt động, những câu từ đối đáp…với mỗi học sinh. Và một học sinh mệt mỏi chạy theo các giải thưởng, điểm số thì chẳng mấy chốc cũng cảm nhận được sự vô nghĩa của các giá trị ngắn hạn. Một người thấy biết chế tác niềm vui cho mình, cảm nhận sâu sắc những hạnh phúc từ những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống thì có lẽ mới truyền đạt cho học sinh niềm vui sống, sự biết ơn và sự hạnh phúc từ những thực tại giản đơn chứ không phải một niềm mong cầu ngày càng lớn và không giới hạn. Cảm nhận sâu sắc sự nhân văn từ PEN, chúng tôi sẽ gìn giữ những điều tốt đẹp ấy trong tim mình và mong rằng sẽ nhân lên ở trong lòng học sinh của mình những hạt giống của sự yêu thương và tỉnh thức.

Lời kết

Kết thúc hai ngày tập trung cao độ, cái chúng tôi nhận về không phải câu 1 đáp án A, mà là một dãy dài tài liệu cần đọc, bao điều gợi mở còn trăn trở, bao giải pháp còn cần cải tiến… Nhưng có lẽ, đó mới là tinh thần của PEN, nơi những người thầy, trước khi quay trở lại làm thầy, thì cần làm một người trò tốt, không ngừng học hỏi và cải tiến để có những hướng đi hiệu quả hơn cho học trò của mình.  

Trở về với Wellspring, chúng tôi lại tiếp tục với WITEACH - Cuộc thi giáo viên sáng tạo dành cho các thầy cô, WETECH - cuộc thi công nghệ dành cho học trò, CAREER QUEST - cuộc thi tìm hiểu nghề nghiệp cho các bạn học sinh,… Những cuộc thi mà đích đến không phải đáp án, mà là những kỹ năng, kiến thức, thái độ thu lượm được trong quá trình hoàn thành, thời hạn chẳng phải một tháng mà kéo dài cả năm, thậm chí hàng năm. Mục đích không phải là tờ chứng chỉ mà là những vấn đề thực tế đang tồn tại mỗi ngày trong xã hội hay trong lòng mỗi con người. Những bánh xe ấy, vẫn đang tiếp tục vận hành và làm mới hơn mỗi ngày, để mỗi ngày đến trường lại là một ngày mới, với nhiều tin yêu.