Loading...

Timeless Melody - Không khí giao mùa đặc biệt trong những bài hát, những câu chuyện kể về Hà Nội yêu dấu

"Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.
Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố rất nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris…Trong những cuộc phiêu du - phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song, chỉ người Hà Nội có… Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác…”
Trích “Hà Nội băm sáu phố phường” - tùy bút của nhà văn Thạch Lam


Thông qua sự kiện Timeless Melody, WISHers gửi tặng cả mùa thu Hà Nội dấu yêu đến quý khán giả. Chính WISHers là những “nghệ sĩ” thiết kế sân khấu, với backdrop là 2 bức tranh canvas khổ lớn vẽ “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”, thương nhớ Hà Nội thời bao cấp. Từng góc decor trong sự kiện đều được WISHers chuẩn bị kỹ lưỡng như chiếc xe đạp cũ, lọ hoa thiên điểu, chiếc bàn thấp để lọ hoa nhài, đèn dầu, các món quà vặt dễ xiêu lòng con người xứ sở: ô mai, bánh trôi, trà đá…
Đến với Timeless Melody, khán giả được lắng nghe những ca khúc bất hủ hát về Hà Nội. Giọng ca Hoàng Anh & Di Bảo đã trình bày một sáng tác của Ngô Thuỵ Miên, "Mùa thu cho cm"; ca sĩ khách mời Hải Anh với sáng tác của nhạc sĩ Trọng Đài - "Hà Nội đêm trở gió"... Và khán giả đã vỗ tay không ngớt khi bắt gặp hình ảnh của Nam Tào, Bắc Đẩu và Táo Thoát Nước trong chương trình Gặp nhau cuối năm đã được tái hiện lại trong bài hát "Từ một ngã tư đường phố” được bộ ba thầy giáo Nam Pii - Minh Hiếu - Tuấn Anh thể hiện.


Chiếm spotlight của sự kiện chính là Mây band khi học sinh bỗng hóa thành những chàng trai phong lưu, hoài cổ đầy lãng mạn, những cô gái thướt tha mềm mỏng với tà áo dài, các anh vệ quốc quân hồ hởi tiến về Thủ đô, các chị gánh hàng rong chăm chỉ, tần tảo. Mây Band chia sẻ: “Nhờ có trải nghiệm này, chúng mình mới nhận ra Hà Nội lại đẹp và nên thơ đến thế, hóa ra thành phố mà chúng mình đang sống bao lâu nay lại ẩn chứa nhiều điều thú vị mà bản thân vô tình quên lãng”.
Không chỉ khiến khán giả say đắm với những giai điệu tha thiết về Hà Nội, Timeless Melody còn mang đến những câu chuyện hay từ những vị khách mời đặc biệt:
Cô Jenny Đặng, mẹ bạn Đặng Đình Gia Hưng là người Hà Nội gốc (nhà cô có ba đời được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội). Cô Jenny Đặng chia sẻ: “Tôi rất may mắn là người có ông bà nội ngoại và bố mẹ đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Gia đình đến nay vẫn giữ được nếp sống của người Hà Nội”. Dẫu các con cô đi du học nước ngoài, học trường Quốc tế nhưng vẫn được cô kể những câu chuyện truyền thống từ những món ăn ngon, những nếp sống của Hà Nội xưa.
Ông Nhật Tường - ông ngoại bạn Phạm Hoàng Khánh Hương đã đến chương trình chia sẻ và gửi tặng một bài hát viết về Hà Nội do chính ông sáng tác. Được biết, ông Tường đi bộ đội vào những năm 1970, trở về ông làm Tổng Biên tập Báo Thương mại và có những đóng góp lớn cho diễn đàn kinh tế Việt Nam. Dù đã đi nhiều thành phố trên thế giới như Matxcova, Saint-Peterburg… nhưng ông vẫn luôn để Hà Nội chiếm “vị trí thứ nhất” trong tim mình.
Ông Lê Yến - một ”cuốn từ điển” xưa cũ về Hà Nội, đã đem đến Timeless Melody những câu đối hay, những câu chuyện lịch sử. Đặc biệt, ông tự tay thực hiện một tập san gồm đĩa CD, lời 36 ca khúc đặc sắc về Hà Nội được chép trên khuông nhạc; hơn 50 câu đối về Thăng Long - Hà Nội. Ông tặng lại cho thư viện trường tập san này để các thầy cô và học sinh sử dụng. Chắc chắn đây là món quà vô cùng ý nghĩa với các thế hệ WISHers bởi theo như ông, tập san có những bài từ 60, 70 năm trước ông đã rất say mê. Ông chia sẻ niềm xúc động khi đúng hôm nay tròn 1010 năm vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Ông cũng nhắn nhủ tới các WISHers “Các cháu sống trong môi trường mới hiện đại thời 4.0, nhưng phải nhớ đến những cái cũ, những cái gì đẹp cũ, sâu sắc và học nó”.

Cùng tới tham dự sự kiện có cô Lê Tuệ Minh - Tổng Hiệu trưởng nhà trường. Cô Minh đã chia sẻ về thế hệ cô cũng như nhiều phụ huynh đã trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, thời kỳ bao cấp đầy khó khăn “thế nhưng quan trọng lúc đó chúng tôi vẫn sống trong không khí thật đầm ấm, hạnh phúc và lạc quan tươi sáng”. Cô Minh hồi tưởng lại thế hệ cô không có iphone, ipad thì thơ ca, văn nghệ, kịch nói,... là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Cô đọc tặng các bạn WISHers bài thơ rất đặc biệt mang tên “Nhà chật” của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Đây là bài thơ về không gian sống đặc trưng của người Hà Nội những năm cũ của thế kỷ trước và cũng rất thực tế khi vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ sống trong một không gian 6m2 nhưng vẫn tràn đầy lạc quan và tình yêu.
“Nhà chật mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình…”
Chắc hẳn với các bạn WISHers thế hệ 2K không thể dễ dàng hình dung được việc sinh hoạt trong ngôi nhà chật như vậy thì như nào nhưng chắc chắn một điều, các bạn đã được truyền cảm hứng, niềm xúc động của cô Tuệ Minh - một người Hà Nội đã tái hiện một phần Hà Nội xưa thông qua chia sẻ và bài thơ cô đọc. Đây cũng chính là mục đích và ý nghĩa của concert Timeless Melody do chính cách bạn WISHers lên ý tưởng và tổ chức, dàn dựng.