Loading...

Teen trường Wellspring mở Workshop “Dệt thơ trên những trang sử vàng” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu

Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 – 4/10/2020), tập thể lớp 12AD trường THPT Wellspring dưới sự hướng dẫn của cô Lê Thị Hải Yến đã tổ chức buổi Workshop Tố Hữu với 3 nội dung: tọa đàm “Tố Hữu – dệt thơ trên những trang sử vàng”, tham quan triển lãm ảnh, nghe thuyết trình về cuộc đời, sự nghiệp, phong cách thơ của Tố Hữu và đọc thơ Tố Hữu.

Tham gia workshop, học sinh được hồi hương Tố Hữu, cùng sống lại năm tháng khói lửa của đất nước qua những vần thơ, lắng nghe về con đường cách mạng, đường thơ, cuộc sống riêng của nhà thơ.

Học sinh chủ động đề xuất ý tưởng

Cô Lê Thị Hải Yến – giáo viên giảng dạy Ngữ văn lớp 12AD chia sẻ, ban đầu, cô chỉ dự định phân chia nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu trước các nội dung trong sách giáo khoa và đến lớp thảo luận sâu những vấn đề cần ghi nhớ, bởi tác giả Tố Hữu và đoạn trích Việt Bắc cũng là kiến thức ôn tập quan trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, học sinh bất ngờ phát hiện sắp kỷ niệm 100 năm năm sinh của Tố Hữu nên đề xuất cô giáo cho phép tổ chức một buổi workshop đặc biệt với 3 nội dung: tọa đàm “Tố Hữu – dệt thơ trên những trang sử vàng”, tham quan triển lãm ảnh, nghe thuyết trình về cuộc đời, sự nghiệp, phong cách thơ Tố Hữu và đọc thơ.

Thấy được sự chủ động, sáng tạo của học sinh, cô Hải Yến đã đồng ý ngay. Theo cô: “Là học sinh lớp 12, đã khá quen thuộc với cách tổ chức workshop cho nên không khó để các em xây dựng kịch bản, xin giáo viên tư vấn nội dung, phân công nhiệm vụ dựa trên năng lực cho các thành viên, chuẩn bị cơ sở vật chất, làm poster, in ấn tranh ảnh”... Ngay cả những điều nhỏ nhất như trang phục cho MC, khách mời tham gia tọa đàm cũng được học sinh 12AD tính toán kỹ lưỡng. Các em cũng ứng dụng công cụ của Microsoft để thu thập câu hỏi của học sinh lớp khác gửi đến “chuyên gia” trong buổi tọa đàm giải đáp...

Nghiêm túc như “Nhà nghiên cứu văn học" thực thụ

Chỉ có 7 ngày để chuẩn bị cho workshop nên các học sinh đều nghiêm túc tìm hiểu, tự nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, phong cách nghệ thuật thơ, vị trí của Tố Hữu trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Ngoài việc đọc sách giáo khoa, các em còn đọc thêm trên internet các tài liệu, sách báo, đọc thật nhiều rồi chọn lọc thông tin nhanh, chính xác nhất. 

Chia sẻ cách tìm kiếm thông tin về phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, Đặng Hà Khoa – chàng trai xuất sắc trong vai Nhà nghiên cứu Văn học chia sẻ: “Đầu tiên, con làm việc cùng cô Ngữ văn để xin ý kiến cô. Nếu để tự làm là rất khó. Con đọc kỹ sách giáo khoa, tìm kiếm thêm được nhiều thông tin bổ ích trên internet khi search các từ khóa: cuộc đời Tố Hữu, thơ Tố Hữu, trữ tình chính trị, đậm đà tính dân tộc”. Thông tin rất nhiều, Hà Khoa đã đọc trên các trang uy tín để tham khảo. Và để thuyết phục hơn, Khoa cố gắng đọc thuộc nhiều thơ nhất có thể, bởi mong muốn mọi người được biết đến nhiều hơn các vần thơ của Tố Hữu và sống trong không gian thơ của ông.

Còn Hà Anh, cô gái dịu dàng trong tà áo dài với vai Minh Hồng - con gái nhà thơ Tố Hữu thì chia sẻ: “Con đã tìm đọc tư liệu về Tố Hữu dựa trên cuốn hồi ký của người vợ là bà Vũ Thị Thanh, con cũng tìm được một số bài phỏng vấn người vợ của các nhà báo. Thông tin đa chiều vì thế con phải chọn lọc để chính xác nhất”. 

Có lẽ chính bởi phương pháp làm việc khoa học như vậy mà phần chia sẻ của hai “khách mời” trong buổi workshop nói riêng và tất cả các học sinh trong lớp đã nhận được liên tiếp những tràng pháo tay của khán giả tham dự, những tiếng cười và những cái gật đầu liên tiếp của các thầy cô dự giờ. Được mời đến chương trình, Việt Anh, Minh Ngọc, Thành An, Thanh Hải – học sinh lớp 12AB4 cùng thống nhất quan điểm: Đây là một tiết học thực sự bổ ích, lý thú. Học sinh không chỉ biết thêm những điều chưa bao giờ được biết về sự nghiệp, phong cách thơ Tố Hữu mà còn hiểu rõ hơn về lối sống, phong cách sống, tình yêu mà nhà thơ dành cho gia đình. Dường như tinh thần học tập của 12AD đã lan tỏa tới học sinh các lớp khác. Đó là điều không phải workshop nào cũng có được.

Hơn cả một bài học

Sách giáo khoa hiện hành chủ yếu cung cấp tri thức khái quát về tiểu sử, con đường cách mạng, đường thơ và phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, những thông tin cuộc sống đời thường, lối sống đẹp của tác giả với tư cách là một người công dân, người chồng, người cha trong gia đình chưa được nhắc đến. Mở rộng phạm vi tiết học, workshop “Dệt thơ trên những trang sử vàng” đem đến cho học sinh những câu chuyện liên quan đến lối sống, cuộc sống riêng của tác giả như chuyện nhà thơ dành nhiều thời gian cho con gái, cùng vợ chăm sóc các con, buộc tóc cho con hay khi ông viết trái tim chia ba phần tươi đỏ là chia cho những ai…

Những lời thơ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” hay “Con người muốn sống con ơi/ Phải yêu đồng chí yêu người anh em/ Một ngôi sao chẳng sáng đêm/ Một thân lúa chín chẳng nên mùa màng…” được vang lên trong tiết học một cách tự nhiên giúp học sinh khối 12 nhận ra được giá trị của lối sống cống hiến, yêu thương và sẻ chia, nhân ái, bao dung. Hà Anh cho biết: “Chúng con đã chủ động tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp Cách mạng chính trị, cuộc sống thường nhật của nhà thơ Tố Hữu và càng trân trọng, yêu quý ngưỡng mộ ông nhiều hơn nữa”.

[su_box title="Cô Lê Thị Hải Yến – Giáo viên Ngữ văn THPT Wellspring" box_color="#0f5f79"]Giúp học sinh nhận ra giá trị sống, đó là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của tiết học Ngữ văn. Tôi đã dạy các con từ năm lớp 11, rất nhiều lần mừng vui, hào hứng vì nhìn thấy sự sáng tạo của các con thông qua các dự án học tập như đọc sách, làm báo… nhưng có lẽ đây là lần mà tôi cảm thấy xúc động, nghẹn ngào, hạnh phúc nhất.

Tôi có gợi ý và nhấn mạnh các con hãy làm sống dậy một không gian thơ Tố Hữu, hãy chia sẻ những điều mà sách giáo khoa chưa nói tới, những thông tin có ích cho người tham gia, chú ý đối tượng là học sinh lớp 12. Chỉ là gợi ý thế thôi, chưa dám hi vọng nhiều vì thời gian các con chuẩn bị rất gấp, thơ Tố Hữu dễ thuộc nhưng khá dài, lượng thông tin về ông thì đồ sộ. Vậy mà, trong tiết học các con đã đọc thuộc rất nhiều thơ của tác giả; chia sẻ những thông tin mà tôi còn chưa biết tới một cách sâu sắc, tự nhiên, lôi cuốn; trả lời giải đáp của học sinh lớp khác thực sự thuyết phục… Nghe con nói, tôi chỉ biết gật đầu liên tục và mỉm cười.

Chính các con đã truyền cảm hứng cho tôi, giúp tôi nhận ra mình phải cố gắng, sáng tạo nhiều hơn nữa trong giảng dạy. Tiết học đã qua mà tôi vẫn nghĩ về nó. Tôi tin thầy hiệu trưởng và tất cả thầy cô tham dự cũng có cảm xúc này”. Workshop đem lại sự hứng thú không chỉ cho bản thân học sinh trong lớp mà còn cho học sinh lớp khác và cả thầy cô dự giờ. Các con đã chứng minh được sự tự chủ – tự tin – sáng tạo – sáng tâm trong học tập. Có lẽ, đó là món quà quý nhất và các Whiser 12AD dành tặng kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà thơ Tố Hữu. Xin được dùng những lời thơ của ông để kết thúc phần chia sẻ này:

"Nếu được làm hạt giống để mùa sau

Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa

Vui gì hơn làm người lính đi đầu

Trong đêm tối, tim ta là ngọn lửa”.
(Chào xuân 67 – Tố Hữu)