Loading...

Những Tips dạy học Online - Bài 01

Với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm hay, những sáng tạo dù nhỏ - nhưng ý nghĩa trong quá trình dạy học, series “Những tips dạy học online” của Giáo viên Wellspring hy vọng lan tỏa và hữu ích đối với các đồng nghiệp, các em học sinh và Phụ huynh quan tâm.

Tất nhiên không có công cụ dạy học nào là “vừa vặn”, “toàn năng”, nhưng hy vọng những chia sẻ này sẽ là gợi ý hay cho thầy cô đồng nghiệp và học sinh ở một thời điểm nào đó – dù chúng ta có học online hay không.

BÀI 1: Dạy online cho học sinh THPT - tạo hứng thú cho học sinh mới là bài toán khó nhất

Nếu như với các bậc học dưới, các thầy cô thường sẽ mất khá nhiều thời gian với việc hướng dẫn các con quen với các nền tảng trực tuyến phục vụ việc học online, thì với giáo viên ở bậc THPT việc tạo hứng thú cho học sinh của mình trong các giờ học online mới là bài toán khó nhất. Vậy làm sao để các giờ học online ‘ra mắt’ học sinh thu hút được sự tương tác của nhiều học sinh nhất? Xin được chia sẻ cùng các thầy cô 2 bí kíp nhỏ mà tôi đã áp dụng đối với các lớp học đầu năm nay của mình.

1. Hãy kiên nhẫn mặc dù ai cũng mong muốn được nhìn thấy học sinh của mình
Khi dạy, các thầy cô ai cũng muốn được nhìn thấy sự tương tác của học sinh mình khi chúng ta đưa ra chỉ dẫn hoặc giảng giải các kiến thức, do vậy nhiều thầy cô yêu cầu học sinh phải mở camera ngay từ buổi đầu tiên. Tuy nhiên, hãy cho các em có thời gian để chuẩn bị và cảm thấy được an toàn. Nhiều học sinh chia sẻ từ rằng “Hôm nay đầu tóc con chưa đẹp”, hay “khu bàn học tập, phòng ngủ của con chưa gọn ngày hôm nay nên con chưa muốn mở camera”… Vì vậy, các thầy cô hãy tôn trọng các con và đưa việc mở camera vào trong luật lớp học online nhưng nên bắt đầu áp dụng ở những buổi học sau. Chắc chắn khi các con thấy các thầy cô tâm lý như vậy, ý kiến của mình được tôn trọng thì không có lý do gì để làm khó chúng ta cả. Nếu đó là buổi học đầu tiên với học sinh mới mà các thầy cô vẫn muốn được nhìn thấy các con thì hãy cho học sinh được post ảnh mà các con thấy tự tin nhất hoặc đẹp nhất để giới thiệu về bản thân, cảm xúc lúc này, hay về kỉ niệm đáng nhớ, hoạt động mùa hè… Đảm bảo cả lớp sẽ tự tin hơn rất nhiều khi phải mở camera lên ngay.

2. Hãy để học sinh được nói nhiều hơn nữa
Việc học online khiến cho tương tác giữa thầy trò bị tương đối hạn chế, bởi vậy hãy tận dụng mọi thời gian trong lớp để các em được nói nhiều hơn. Phần lớn các thầy cô đã sử dụng Padlet – nền tảng online cực kì hữu hiệu để các thầy cô có thể thu thập ý kiến học sinh, hay là không gian ảo để cả lớp cùng nhau thảo luận về một chủ đề - tuy nhiên mới chỉ khai thác nhiều ở dạng văn bản. Nếu như ở buổi học đầu tiên khi muốn hiểu thêm về học sinh của mình, các thầy cô thường yêu cầu các em viết về bản thân trên Padlet. Tuy nhiên, chắc chắn đa phần các em sẽ khá ngại viết và khá ngại đọc bài viết người khác; điều này khiến không khí lớp khá trầm. Thay vì vậy, các thầy cô hãy thử yêu cầu các em hãy post 1 bức ảnh về ‘1 đồ vật có thể mô tả bản thân’, ‘1 bức ảnh nói về mùa hè của bạn’, ‘1 bức ảnh nói về mục tiêu môn học’… Điều này không chỉ tạo được cơ hội cho các bạn được chia sẻ trực tiếp mà còn khơi dậy được sự tò mò của các bạn khác trong lớp nữa.

3. Khoảng cách không có nghĩa là không làm việc nhóm
Làm việc nhóm là một hoạt động hết sức cần thiết với một lớp học bất kể là lớp học offline hay online. Bởi lẽ qua đó học sinh được tương tác cùng các bạn mình, được tự mình chủ động xây dựng kiến thức cho mình. Bởi vậy, các thầy cô hãy nhớ có thêm các hoạt động thảo luận nhóm, thuyết trình nhóm vào trong bài giảng của mình nhé. Có rất nhiều nền tảng có thể giúp đỡ được các thầy cô trong việc cho học sinh làm nhóm, chẳng hạn như Google slides, Google doc, Microsoft sharepoint, Padlet, hay tận dụng các tags trong Teams để học sinh có thể chat/thảo luận video call trực tiếp với nhau. Hãy thử đưa ra thử thách bằng việc chia nhỏ nội dung bài học cho các nhóm và yêu cầu các nhóm hoàn thành 1 file thuyết trình về nội dung đó, sau đó các thành viên sẽ lần lượt thuyết trình. Chắc chắc các thầy cô sẽ phải ngạc nhiên về độ sáng tạo của học sinh mình đấy!