TP.HCM: Giáo viên quay phim up lên YouTube
Hôm nay (3-2), học sinh TP.HCM nghỉ học 1 tuần (sau kỳ nghỉ Tết) để phòng tránh bệnh do corona. Giáo viên các trường đã giao bài cho các em thông qua các phần mềm dạy học, Facebook, Zalo…
“Tôi đang soạn đề kiểm tra online giao cho học sinh làm để các em ôn tập kiến thức. Riêng với một số lớp cần phải giảng thêm lý thuyết thì tôi sẽ quay phim rồi up trên YouTube” – thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên môn vật lý Trường THPT Ernst Thälmann (quận 1, TP.HCM), cho biết.
Theo thầy Tùng, đề kiểm tra giao qua mạng cho học sinh tương tác lẫn nhau: “Vì thế câu hỏi phải rất đặc thù, làm sao kích thích các em phải xem lại bài cũ để hoàn thành bài kiểm tra ấy. Ngày thường thầy trò chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi trên các group Facebook thì bây giờ cũng như vậy. Nhưng khi sửa bài tôi sẽ live stream trên Facebook”.
Tương tự, thầy Nguyễn Lý Thủy, giáo viên môn toán Trường quốc tế Việt – Úc, thông tin: “Tôi đã giao bài tập cho học sinh của mình ngay trong sáng 3-2 thông qua phần mềm Office 365. Ngay sau đó, đã có một số em tương tác bằng những câu hỏi, thắc mắc… Có những trường hợp cần thiết, tôi đã gọi trực tiếp cho học sinh để trao đổi khi thấy trao đổi qua chat chưa nói được hết ý”.
Trong khi đó, lãnh đạo của Nền tảng học – thi trực tuyến 789.vn vừa thông báo với Tuổi Trẻ về việc tài trợ miễn phí cho giáo viên khối THPT trên toàn quốc mở một lớp học online trên 789.vn với số lượng 30 học sinh, sử dụng gói full chức năng cho đến hết năm học 2019 – 2020.
Các chức năng trong gói full bao gồm: tạo nhanh đề thi trên 789.vn, trộn đề thi tự động, chuyển đề online vào lớp cho học sinh làm bài, chấm điểm tự động, xem báo cáo phân tích thống kê và báo cáo cho phụ huynh qua email.
Học sinh lớp 12 rất sốt ruột vì đây là năm thi THPT quốc gia. Nghỉ học để tránh dịch, chúng em vẫn học bình thường qua nhiều hình thức khác nhau trên mạng. Ngoài những group trao đổi với giáo viên, học sinh còn có những group chỉ học sinh với nhau để trao đổi bài vở”
Hà Nội: Học qua Office 365
Học sinh Trường tiểu học Wellspring tăng cường học qua mạng trong những ngày nghỉ phòng dịch – Ảnh: T.S.
Cùng với thông báo nghỉ học một tuần, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) thông tin: “Học sinh chuẩn bị tâm thế để nhận nhiệm vụ học tập qua Office 365”.
Theo giáo viên chủ nhiệm lớp 9 trường này, đây là phần mềm có thể quản lý việc dạy học gián tiếp, đặc biệt là kiểm soát việc tự học của học sinh. Cụ thể như giao nhiệm vụ học tập (bài tập, nội dung luyện tập), kiểm soát kết quả tự học của học sinh, chấm điểm và thông tin kết quả cho học sinh. Giáo viên có thể tương tác, trao đổi, hướng dẫn kiến thức cho học sinh qua mạng, thích hợp áp dụng trong thời gian nghỉ phòng dịch nCoV hiện nay để học sinh không “quá nhàn rỗi mà quên kiến thức”.
Tương tự, ông Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết trong một tuần học sinh không đến trường, thực chất sẽ vẫn học tập qua ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo viên bộ môn kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để giao việc cho học sinh ở tất cả các môn học, tương ứng với yêu cầu học tập ở thời điểm hiện tại.
“Giáo viên theo dõi được tiến độ tự học, kết quả, chất lượng học tập tại nhà của học sinh. Ngoài ra, ban giám hiệu cũng khuyến khích giáo viên sử dụng Facetime trực tiếp qua Skype với các nhóm/lớp học sinh khi cần thiết nhằm đảm bảo việc dạy học không đứt đoạn, tránh được hậu quả sụt giảm động lực và chất lượng giáo dục sau đợt nghỉ dài vì nCoV” – ông Nhâm nói.
Ở Trường Vinschool (Hà Nội), khi học sinh tất cả các cấp học có thông báo nghỉ, phụ huynh cũng được thông báo luôn kế hoạch “học online” của con. Trong thời gian nghỉ, giáo viên chủ nhiệm phải tổng hợp kế hoạch học tập trong tuần cùng bài tập ôn luyện kiến thức đăng tải trên ứng dụng “Vinschool Parents” để cha mẹ hướng dẫn con chủ động nghiên cứu tài liệu, học tập tại nhà.
Trường Wellspring tăng cường các kênh dạy học và tương tác online đã được sử dụng song song với dạy học trực tiếp thời gian qua như Google Classroom, Google Site, Class Dojo, Microsoft Office 365 teams, Quizizz, Facebook social, Learning Kahoot… Những kênh học tập trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin này cho phép học sinh ở nhà vẫn có thể nhận nhiệm vụ học tập, được hướng dẫn, tương tác, cung cấp kiến thức.
“Việc sử dụng công nghệ đã trở thành một phần kỹ năng hằng ngày của học sinh. Khi tạm dừng việc dạy học để phòng ngừa lây lan nCoV, trường đã phản ứng nhanh, tiến hành đồng bộ trên diện rộng và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh”. - Bà Lê Thúy Ngà – hiệu trưởng Trường tiểu học Wellspring
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM: ‘Lớp học lật ngược’
Ngay sau khi thông báo cho sinh viên nghỉ học thêm một tuần, khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã triển khai nhiều dạng flipped classroom (lớp học lật ngược).
ThS Văn Chí Nam – phó trưởng khoa công nghệ thông tin nhà trường – cho biết: “Những công cụ giảng dạy 4.0 này sinh viên được cung cấp sẵn tài liệu (bài giảng, bài đọc, bài tập, video clip…) trên hệ thống quản lý và yêu cầu xem trước theo hướng dẫn. Giảng viên có thể trực tuyến với sinh viên trên các hệ thống online và dùng hình thức trực tuyến để thảo luận, giải đáp thắc mắc.
Sinh viên còn có thể sử dụng hệ thống LMS (learning management system) để xem tài liệu (video, slides) và làm bài tập online tại nhà, trao đổi với giáo viên thông qua chat, video conference. Mặc dù tuần này sinh viên nghỉ học nhưng giảng viên vẫn có thể tập trung quay bài giảng ở studio ở trường hoặc tại nhà riêng. Ngoài khoa chúng tôi, ở trường còn có vài lớp của các khoa khác áp dụng hình thức này để giảng dạy trong mùa dịch”.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Tăng cường học online
Êkip quay video bài giảng các lớp học online thực hiện tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – Ảnh: VIỆT TIÊN
Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sáng nay 3-2 cũng đã phổ biến đến giảng viên và sinh viên tăng cường học theo hình thức online. ThS Nguyễn Minh Triết – phụ trách Trung tâm Dạy học số nhà trường – cho hay hệ thống học trực tuyến LMS nhà trường đã “chạy” gần 2 năm qua.
“Với hệ thống LMS, nhà trường đã cung cấp cho tất cả giảng viên và sinh viên tài khoản. Ngay sau khi đăng ký môn học, sinh viên có thể truy cập tài khoản của mình để tham gia các lớp học trực tuyến cùng giảng viên. Thông qua hệ thống này, giảng viên cung cấp clip bài giảng, tài liệu học tập để sinh viên tham khảo. Đến khi trở lại lớp học sau thời gian nghỉ, sinh viên không mất nhiều thời gian học bù” – ông Triết cho biết thêm.
ĐH Văn Lang: Đưa bài giảng lên mạng
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang – cho biết trong thông báo nghỉ học 1 tuần để phòng tránh dịch corona, trường nhấn mạnh nội dung: “khuyến khích sinh viên tận dụng thời gian nghỉ thêm để ôn tập bài vở, chuẩn bị cho học kỳ mới. Giảng viên cũng có thể tương tác trực tuyến với sinh viên để trao đổi bài tập, học online…”
Theo đó, tất cả môn học đã lên lịch trong tuần nghỉ, giảng viên đưa bài giảng, bài tập lên trang học trực tuyến của trường. Sinh viên sử dụng tài khoản của mình để vào trang và tải bài về học và làm bài tập để kịp tiến độ.
ĐH Hồng Bàng: Học từ xa
Sáng 3-2, PGS.TS Hồ Thanh Phong – hiệu trưởng Trường đại học quốc tế Hồng Bàng – đã có cuộc họp với giảng viên. “Trong thời gian nghỉ, trường yêu cầu các khoa, ngành giữ liên lạc với sinh viên, thực hiện đưa bài giảng và học tập từ xa để sinh viên có thể tìm hiểu và học tập trong những ngày nghỉ” – ông Phong nói thêm.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ