Loading...

Làm sao sáng tạo tiết học vừa mang hàm lượng khoa học vừa phù hợp với kiến thức của học sinh?

Không ngừng sáng tạo để đem đến cho học sinh những trải nghiệm học tập thú vị, dự án Dream Hospital do cô Nguyễn Thị Huyền (THCS Wellspring) dẫn dắt đã được vinh danh giải Nhất cuộc thi Giáo viên sáng tạo - Witeach 2020 (mùa 3), hạng mục Giáo dục khai phóng. Cô Huyền đã có cuộc chia sẻ về những kỷ niệm vui trong quá trình dạy-học và những quan điểm giáo dục của mình.

Vì sao cô lại lựa chọn hạng mục Giáo dục khai phóng để thực hiện dự án sáng tạo của mình?

Tôi nghĩ rằng việc dạy – học không chỉ bó hẹp trong những kiến thức chuyên môn của môn học mình đứng trên bục giảng, mà quan trọng hơn là các học sinh cần biết những kiến thức đó giúp ích gì trong đời sống hằng ngày của chính cá nhân, cũng như nó sẽ giúp gì trong việc các con giải quyết hoặc phân tích một vấn đề phức tạp trong cuộc sống.

Trong quá trình dạy học, tôi luôn quan tâm tới việc liên kết các kiến thức môn Sinh học để khơi gợi và khuyến khích các con tìm ra những vấn đề mới hoặc những giải pháp cho các vấn đề đang đặt ra.

Ý tưởng dự án Dream Hospital đến từ đâu, thưa cô? Cô có thể mô tả ngắn gọn về dự án này?

Trong suốt quá trình dạy-học, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ học sinh:

“- Cô ơi, làm thế nào mình biết được nhóm máu của mình là gì?

- Cô ơi, ông nội con bị cao huyết áp. Cao huyết áp là gì vậy cô? Có chữa được không ạ?

- Cô ơi, làm sao để biết dung tích phổi của mình là bao nhiêu ạ?

- Cô ơi, con muốn trở thành bác sĩ thì phải học giỏi môn Sinh học phải không cô?

...

Từ những lý do đó, “Dream Hospital” ra đời. Ý tưởng dự án đến từ chính học sinh.

Với nội dung đặc thù của môn Sinh học lớp 8 – các con sẽ được học về Cấu tạo cơ thể người cùng những kiến thức liên quan tới chức năng; các bệnh tật phổ biến ứng với từng hệ cơ quan cụ thể.

Trong Dream Hospital, các con không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn là hiểu rõ – vận dụng được để giải thích được những vấn đề cuộc sống của các con đồng thời lan tỏa những hiểu biết đó cho mọi người xung quanh.

Dự án được tạo ra cho các con – vì các con – và thực hiện bởi chính các con.

Học sinh đã có những trải nghiệm học tập ra sao trong Dream Hospital?

Ngoài những kỹ năng của thế kỷ 21 như giao tiếp – hợp tác; tư duy phản biện – sáng tạo,.. các con còn rèn luyện được các kỹ năng về CNTT như: sử dụng phần mềm để thiết kế poster; infographic; brochure trang trí phòng khám và phiếu khám bệnh cho bệnh nhân; sử dụng bộ công cụ của Office 365 để liên lạc – làm việc; để lưu trữ xử lý dữ liệu của các phòng khám khác nhau.

Trong vai trò người hướng dẫn học sinh thực hiện dự án, cô quan sát và nhận thấy học sinh của mình thế nào?

Khi lên nội dung cho dự án này, cả cô và trò đều hiểu đây là dự án với khối lượng công việc khổng lồ. Mỗi phòng khám phải thiết kế được hoạt động riêng, vừa mang hàm lượng khoa học vừa phải phù hợp với kiến thức của học sinh. Hơn thế nữa, mỗi học sinh lại có một nhiệm vụ khác nhau; đòi hỏi các con phải tự chủ động để hoàn thiện công việc của nhóm mình. Thế nhưng, điều mà tôi cảm thấy vui nhất đó chính là sự hào hứng, chủ động, sáng tạo tất cả các học sinh. Không ai bảo ai, song tất cả học sinh đều vô cùng nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Kỷ niệm cô nhớ nhất trong quá trình làm dự án Dream Hospital?

Tôi nhớ nhất là buổi báo cáo dự án. Dù dự án đã được thực hiện rất nghiêm túc, các con đã có một buổi tổng duyệt tại mỗi lớp. Buổi trưa trước khi diễn ra dự án, các con nói rằng rất hồi hộp và hơi lo lắng. Nhưng khi các con khoác áo blouse và cầm các dụng cụ setup cho khu vực phòng khám, trông bạn nào cũng như những bác sĩ, y tá đích thực vậy, ai nấy rạng rỡ, chuyên nghiệp.

Tôi thấyhình ảnh đó rất đẹp, và mình không quên được giây phút nhìn các con trưởng thành, chững chạc như vậy.

Mỗi khi đứng trước một đề bài sáng tạo, cô có “bí quyết tủ” nào hay chăng?

Thực ra tôi không có bí quyết cao siêu gì cả, những cảm hứng và ý tưởng luôn đến từ việc suy nghĩ: “Mình sẽ dạy bài này như thế nào? Làm sao để các con hiểu bài hơn, ứng dụng thực tế nhiều hơn?” Bên cạnh đó, việc các con luôn đặt câu hỏi và hào hứng trong việc tìm hiểu bài học cũng khiến tôi có nhiều cảm hứng hơn trong việc dạy học.

Chắc hẳn vừa dạy học, vừa làm dự án sẽ ngốn của cô nhiều thời gian, cô có thể bật mí bí quyết cân bằng thời gian công việc và cuộc sống?

Tôi nghĩ thật khó để cân bằng vì đôi khi ngoài giờ làm việc, tôi vẫn phải tự nghiên cứu và hỗ trợ các con. Nhưng tôi nghĩ rằng, khi chúng ta có mục tiêu, có động lực thì việc sắp xếp thời gian để hoàn thành sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Đạt được giải Nhất năm nay, vậy năm tới cô có muốn tiếp tục tham gia Witeach hay không?

Tôi rất tâm đắc chia sẻ của cô Tuệ Minh – Tổng Hiệu trưởng trường PTSNLC Wellspring đó là: “WITEACH liệu có phải đích đến cuối cùng?”.

Năm học sau tôi sẽ vẫn tham gia Witeach, bởi đây cơ hội để giáo viên có thể thể hiện những sản phẩm sáng tạo của mình và học sinh thông qua quá trình dạy – học – trải nghiệm. Tôi có thể học hỏi không chỉ từ đồng nghiệp cùng chuyên môn mà cả những môn học khác, thậm chí cấp học khác. Witeach là nơi tôi nhận ra giá trị mà việc học có thể đem lại cho học sinh và khả năng sáng tạo tuyệt vời của cô và trò.

 Nếu được nói 3 từ về trải nghiệm là giáo viên tại Wellspring, cô sẽ chọn 3 từ nào?

Ý nghĩa của cuộc thi WITEACH cũng chính là những từ mà tôi muốn mô tả về Giáo viên Wellspring:

- INTELLIGENCES – Luôn thông minh, trí tuệ và vững vàng chuyên môn

- INSPIRATION – Luôn được truyền cảm hứng từ những người lãnh đạo và là người truyền hứng tới từng học sinh.  

- INNOVATION – Khả năng sáng tạo tuyệt vời của các thầy cô.
---

Cảm ơn những chia sẻ từ cô. Chúc cô sức khỏe và công tác tốt!