Loading...

Hội thảo PEN 2020: Bất kỳ phương pháp giảng dạy hiện đại nào đều cần tính mức độ hợp lý với từng đối tượng học sinh (Phần 2)

Tham gia Hội thảo PEN 2020, bản thân tôi cũng như nhiều thầy cô giáo của Trường PTSNLC Wellspring đã được giao lưu, học tập và cập nhật nhiều nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục và các lĩnh vực liên quan. Đặc biệt là chúng tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều nhà nghiên cứu giáo dục lâu năm và rất tâm huyết. Từ đó, chúng tôi cũng hiểu hơn về những xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, đồng thời được thực hành các phương pháp giáo dục và dạy học đột phá, kết nối hiện đại. Trong hai ngày Hội thảo, chúng tôi đã được học nhiều chuyên đề và mỗi chuyên đề là một sự trải nghiệm mới để chúng tôi tích lũy kinh nghiệm, trau dồi vốn tri thức và những kỹ năng sư phạm của bản thân. Dưới đây là những tổng kết của tôi về những điều mình đã học được qua hai ngày Hội thảo vừa qua.

Chủ đề Chính niệm và từ tâm trong giảng dạy (Mindfulness and Compassion in Teaching) để giúp mỗi học sinh được phát triển tốt hơn từng ngày với sự trình bày của TS. Nguyễn Nam - Tiến sĩ Đại học Harvard, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam.

CHỦ ĐỀ: CHÍNH NIỆM TỪ TÂM (TS. NGUYỄN NAM)

Chính niệm (chánh niệm) là chìa khóa của giây phút hiện tại. Nếu không có nó chúng ta không thể nào nhìn thấy thế giới một cách rõ ràng, đơn giản là chúng ta sẽ lạc bước theo sự nghĩ ngợi quanh quẩn của tâm trí.

Chúng tôi đã được thực hành chính niệm bằng cách đơn giản là theo dõi hơi thở. Thở vào, chúng ta biết rằng đang thở vào, thở ra, chúng ta biết là đang thở ra. Tuy đơn giản là thế nhưng không hề dễ. Vì bản thân tôi vốn là một người ưa hoạt động nên để ngồi tĩnh lặng, nhắm mắt lại và lắng nghe hơi thở mình trong khoảng 10-15 phút không hề đơn giản. Tôi khó tập trung lắng nghe được hơi thở mình vì khi đó trong đầu tôi vẫn còn quanh quẩn với nhiều suy nghĩ, liên tưởng, trí óc cứ ngược xuôi, cùng với bao nhiêu là kế hoạch, trăn trở. Thói quen để cho đầu óc “lang thang” miên man với nhiều suy nghĩ đó đã khiến tôi gần như thất bại khi chính niệm, đôi khi tôi bị rơi vào trạng thái “ngủ quên” và lại giật mình khi thầy yêu cầu “nghe hơi thở bạn đi vào trong cơ thể…”. Cứ như vậy, 10, 15 phút chính niệm đối với tôi chưa đạt được thành công trong khi đó nhiều học viên chia sẻ rằng họ đã đạt được những yêu cầu của thầy hướng dẫn.

Từ bài học của Tiến sĩ Nguyễn Nam, tôi nhận thấy trong giáo dục chính niệm là cách mà chúng ta quan sát -> cảm nhận -> tác phong, tư thế tập trung, thực hiện tốt một công việc nào đó. Bởi vì chỉ khi nào chúng ta tĩnh tâm thực sự mới có thể lắng nghe được hơi thở của chính mình cũng giống như chỉ khi nào chúng ta toàn tâm toàn ý vào làm một việc nào đó mới có thể thành công. Chính niệm cũng là yêu cầu chúng ta chỉ tập trung vào điều mình xác định làm và cảm nhận – ý thức về những việc mình đang làm. Giáo viên có thể đóng nhiều vai trong công việc giảng dạy, chủ nhiệm của mình nhưng một nguyên tắc bất di bất dịch là khi vào vai nào thì chỉ là vai đó (đặt toàn tâm toàn ý vào vai đó) để hoàn thành đúng trách nhiệm (tròn vai). Ngoài ra, chúng ta hãy dùng các ái ngữ (từ ngữ yêu thương) trong tất cả lời nói, cư xử, hành động với HS để lắng nghe để thấu hiểu. 

Chủ đề Học sâu (Deep Learning) do ​TS. Nguyễn Chí Hiếu - Tiến sĩ Đại học Stanford, CEO & Sáng lập IEG Foundation dẫn dắt

CHỦ ĐỀ: “HỌC SÂU” (DEEP LEARNING)

Học sâu là khả năng chinh phục kiến thức học thuật bằng cách áp dụng kỹ năng tư duy bậc cao, bao gồm tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, hợp tác, giao tiếp, học cách học và phát triển tư duy học thuật. Học sâu chính là quá trình người học vượt ra khỏi việc ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, theo đúng quy trình thông thường của cách học truyền thống. Học sâu giúp người học nhận ra một vấn đề hoặc tình huống có liên quan đến những thứ đã được học và tư duy xem ta có thể áp dụng, ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đó vào thực tiễn để giải quyết những tình huống có vấn đề nào hay không? Giải quyết như thế nào?... Học sâu còn là để học sinh biết cách giải thích bằng cách hiểu của bản thân về một vấn đề theo cách riêng của mình những thứ chúng học được từ đó kiến tạo ra thông tin, kiến thức và những giải pháp mới cho những vấn đề học sinh gặp phải trong thực tiễn đời sống. Nhìn chung lại thì học sâu là quá trình học mà qua đó học sinh có khả năng tạo ra kiến thức mới, không chỉ học những kiến thức đã có. Học sâu: học để hiểu, học ở tư duy bậc cao, học sáng tạo. Quá trình này sẽ tạo ra cơ hội để thay đổi học sinh cũng là cơ hội để thay đổi chính mình của giáo viên.

Quá trình học sâu đi qua 6 cấp độ: Ghi nhớ - Hiểu - Vận dụng - Phân tích - Đánh giá - Sáng tạo. Gắn với mỗi cấp độ này là quá trình người học Thu thập - Vận dụng - Thẩm thấu - Điều chỉnh - Kiến thức vào để giải quyết những tình huống cụ thể.

- Thu thập: Học sinh thu nhặt và lưu trữ kiến thức, thông tin, chủ yếu ghi nhớ và hiểu -> Giáo viên làm việc là chủ yếu.

- Vận dụng: Học sinh sử dụng kiến thức thu được để giải quyết vấn đề và hoàn thành bài tập -> Học sinh làm việc

- Thẩm thấu: Học sinh mở rộng, chắt lọc kiến thức để sử dụng một cách tự động, thuần thục để phân tích vấn đề và kiến tạo giải pháp -> Học sinh tư duy.

- Điều chỉnh: Học sinh tư duy ở những cách phức tạp với những biến số phức tạp tạo ra giải pháp và tri thức, mở rộng kĩ năng -> Học sinh làm việc và tư duy.

Dưới đây là khung sườn để phân loại bài tập, câu hỏi vấn đề theo 4 mức độ về tư duy - độ sâu kiến thức cần có để hoàn thành bài tập.

Tóm lại, phương pháp dạy học thì có nhiều và ngày càng cập nhật những phương pháp mới, hiện đại mang lại nhiều hiệu quả cho giáo dục. Tuy nhiên, khi vận dụng bất cứ một phương pháp dạy học nào, nhất là phương pháp dạy học hiện đại vào trong thực tế giảng dạy với các bài giảng, hoạt động cụ thể mỗi giáo viên cũng cần linh hoạt, tính toán kĩ lưỡng về mức độ hợp lý đối với từng đối tượng học sinh. Bản thân tôi sau khi tham gia Hội thảo PEN 2020 cũng đã chia sẻ các nội dung đã học cho các giáo viên trong tổ Văn để cùng nhau nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp phù hợp để có thể ứng dụng ngay vào trong thực tế giảng dạy của tổ bộ môn trong thời gian tới.

(Chia sẻ của cô Bùi Thị Tuyết Nhung – Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT Wellspring)