Loading...

Hội thảo PEN 2020: Bất kỳ phương pháp giảng dạy hiện đại nào đều cần tính mức độ hợp lý với từng đối tượng học sinh (Phần 1)

Tham gia Hội thảo PEN 2020, bản thân tôi cũng như nhiều thầy cô giáo của Trường PTSNLC Wellspring đã được giao lưu, học tập và cập nhật nhiều nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục và các lĩnh vực liên quan. Đặc biệt là chúng tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều nhà nghiên cứu giáo dục lâu năm và rất tâm huyết. Từ đó, chúng tôi cũng hiểu hơn về những xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, đồng thời được thực hành các phương pháp giáo dục và dạy học đột phá, kết nối hiện đại. Trong hai ngày Hội thảo, chúng tôi đã được học nhiều chuyên đề và mỗi chuyên đề là một sự trải nghiệm mới để chúng tôi tích lũy kinh nghiệm, trau dồi vốn tri thức và những kỹ năng sư phạm của bản thân. Dưới đây là những tổng kết của tôi về những điều mình đã học được qua hai ngày Hội thảo vừa qua.

Chủ đề Giảng dạy Trực tuyến thông qua Mạng xã hội (Digital Learning Through Social Media) được khơi gợi và tạo nên thảo luận sôi nổi bởi TS. Ian Kalman - Tiến sĩ Đại học McGill, Giảng viên ​Đại học Fulbright Việt Nam tại Hội thảo PEN 2020

CHỦ ĐỀ: “DẠY HỌC VỚI CÔNG NGHỆ” (DIGITAL LEARNING THROUGH SOCIAL MEDIA)

 “Giáo dục thông minh” hay “Giáo dục 4.0” được xem là mô hình phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại ngày nay. Vì thế, “Dạy học với công nghệ” (Digital Learning Through Social Media) đang ngày một phát triển, đặc biệt không chỉ ở thành phố nơi có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất mà ngay cả các vùng núi, vùng nông thôn xa xôi việc ứng dụng CNTT trong dạy học cũng đã và đang phát triển mạnh. Chúng ta không phủ nhận hiệu quả của các bài giảng truyền thống nhưng với sự hỗ trợ của CNTT những bài giảng của giáo viên đã trở nên hấp dẫn, hiệu quả hơn. Tham gia Hội thảo PEN 2020 chúng tôi càng thấy rõ hơn điều này.

Khi chia sẻ về chủ đề “Dạy học với công nghệ” (Digital Learning Through Social Media), Tiến sĩ Ian Kalman - Trường Đại học McGill, Giảng viên Sáng lập Đại học Fulbright đã yêu cầu chúng tôi thực hành mô hình dạy học này bằng cách tạo ra một Group kín trên Facebook. Chỉ với 2 yêu cầu đơn giản, thầy đã yêu cầu học viên đưa ra quan điểm về vấn đề “Hậu quả xã hội và chính trị của điện thoại di động là gì?” và chọn một tấm ảnh đề cập đến sự thay đổi trong cuộc sống. Qua đó, thầy đã trao cho học viên rất nhiều cơ hội được thể hiện quan điểm, những khám phá, quan sát,…của bản thân về cuộc sống để từ đó cùng nhau trao đổi, thảo luận và tương tác với nhau trên nền tảng công nghệ một cách nhanh chóng, dễ dàng. Thông qua hoạt động này, thầy giáo đã thu nhận được rất nhiều kết quả học tập của người học chỉ trong một thời gian ngắn giúp cho việc đánh giá hiệu quả giảng dạy nhanh chóng, tiện dụng.

Từ bài học của thầy, tôi đã rút ra cho mình một số kinh nghiệm có thể ứng dụng trong thực tiễn dạy học của mình:

  • Dạy cái gì, không quan trọng bằng cách dạy như thế nào? Vì hiện nay, khi CNTT bùng nổ, chỉ cần một cái chạm nhẹ trên con chuột máy tính, học sinh có thể có cả thế giới trong tay. Kiến thức đối với các em không khó để tìm kiếm. Tuy nhiên, mặt trái của việc này là học sinh dễ bị hoang mang và khó tổng hợp những thứ mình cần trước một khối lượng kiến thức khổng lồ như vậy. Lúc đó, sự định hướng của giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng.

  • Trải nghiệm thực tế là một trong những điều quan trọng nhất của quá trình giáo dục. Bởi vì, chỉ khi nào có sự trải nghiệm thì cả người dạy và người học mới có thể rút ra những bài học thực tiễn ý nghĩa.

  • Hiện nay, học sinh đã được tiếp cận với rất nhiều hình thức, phương tiện dạy học hiện đại và có thể học ở bất cứ đâu, nhiệm vụ của người thầy không còn chỉ là “dạy kiến thức” mà quan trọng là chọn ứng dụng nào để hướng dẫn người học cách để lĩnh hội kiến thức hiệu quả nhất.

  • Sử dụng công cụ CNTT nào để giảng dạy cần có sự nghiên cứu, tính toán một cách kĩ lưỡng, phù hợp với đối tượng học sinh, tuyệt đối không chạy theo “trào lưu”, làm cho có, làm để thể hiện bài giảng có ứng dụng CNTT.

  • Digital Learning Through Social Media giúp giáo viên trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy của mình. Thầy cô có thể tương tác với học sinh, sinh viên ở mọi nơi có sự hiện diện của công nghệ thông tin, không cần e ngại khoảng cách, các yếu tố khách quan khác.

  • Bài giảng Digital Learning Through Social Media được soạn thảo đa dạng với nhiều hình ảnh và gói gọn vào các thiết bị, tránh đi sự cồng kềnh khi phải mang giáo án theo, hoặc khó chỉnh sửa thêm thắt các kiến thức.

  • Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố: điều kiện cơ sở vật chất, nhưng yếu tố CON NGƯỜI vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Tóm lại, để có thể thực hiện Digital Learning Through Social Media cần có liên kết chặt chẽ giữa nhiều yếu tố quan trọng: máy móc, chất lượng ứng dụng nhưng quan trọng nhất và không gì có thể thay thế được vẫn là yếu tố con người. Vì thế, lựa chọn ứng dụng nào? Đặt vấn đề gì cho người học để thu về hiệu quả học tập cao nhất vẫn luôn là điều mỗi giáo viên trăn trở.

Chủ đề Năng lực khám phá  do ​TS. Nguyễn Chí Hiếu - Tiến sĩ Đại học Stanford, CEO & Sáng lập IEG Foundation dẫn dắt tại Hội thảo PEN 2020
 

CHỦ ĐỀ: “TƯ DUY KHÁM PHÁ” (INTELLECTUAL CURIOSITY)

Cách đặt vấn đề cho chủ đề “Tư duy khám phá” Iintellectual curiosity) của thầy Nguyễn Chí Hiếu, Tiến sĩ Đại học Stanford, CEO và Sáng lập IEG Foundation cũng rất thú vị. Thầy đã cho học viên cùng xem một bức ảnh sau đó đặt ra ba câu hỏi: Bạn nhìn thấy gì? Bạn nghĩ đến điều gì? Và bạn tưởng tượng ra điều gì?

Rất nhiều câu trả lời đã được từng nhóm học viên đưa ra, thể hiện cách nhìn nhận một vấn đề rất đa dạng, nhiều chiều với nhiều liên tưởng thú vị, độc đáo.

Ví dụ: Nhóm KHXH nhìn thấy hoa cúc họa mi -> suy nghĩ đến thổ nhưỡng phù hợp để trồng hoa đẹp nhất (môn Địa); làm thơ về hoa cúc họa mi (nhóm Văn); tưởng tượng trong quá khứ người nông dân đã làm gì để tạo ra giống hoa độc đáo này (môn Sử)…

Nhóm KHTN: môn Hoá học - nhìn thấy:  xe bán hoa cúc hoạ mi -> suy nghĩ: làm sao để có thể giữ hoa tươi lâu cả ngày ???? bón phân gì? tưởng tượng: hoa mua về có thể trồng tiếp vì có kiến thức có thể sử dụng hoá học để chăm cây phát triển hơn…

 

Ý nghĩa bài học: 

- Kích hoạt trí tò mò, phát triển khả năng tưởng tượng của người học để dẫn dắt và đưa học sinh vào những tình huống có vấn đề để các em tự đặt ra câu hỏi cho bản thân, khai thác dâu tư duy sáng tạo, mở rộng các câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp.

- Đưa ra những tình huống giả định nhưng gắn nó gần hơn với thực tế -> khai thác sâu hơn ở học sinh khả năng tạo ra những câu trả lời, những tình huống hay, thú vị. Từ đó có thể đánh giá được năng lực người học. Mỗi học sinh ở hoàn toàn khác nhau, có những điều kiện, môi trường, cách nhìn và suy nghĩ khác nhau nên sẽ cho ra những kết quả không giống nhau.

- Tạo hứng thú, thúc đẩy tư duy sáng tạo của người học. Khi quan sát bức ảnh, người học được thoải mái suy nghĩ, liên tưởng, tưởng tượng mà không có bất cứ giới hạn nào. Từ đó, nhiều phát hiện thú vị, độc đáo đã xuất hiện. Học sinh có thể thoát ra được khỏi lối tư duy truyền thống cũ kĩ, có phần sáo mòn để tiếp cận với những cái mới mà không bị phê phán, giới hạn.

(Chia sẻ của cô Bùi Thị Tuyết Nhung – Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT Wellspring)