Loading...

Giải pháp nào mở ra cơ hội học tập chuyên sâu cho tất cả học sinh có khả năng? (Kỳ 2)

Ở kỳ trước, người viết đã phân tích những giá trị cốt lõi cần gìn giữ phát huy và những điểm còn bất cập của môi trường chuyên-chọn. Chúng ta cùng đến với những góc nhìn về quan điểm của người viết về giáo dục, về xã hội từ kinh nghiệm của một Nhà sáng lập, quản lý giáo dục tư thục và hơn hết, là một phụ huynh đang cùng con xác định hướng đi cho cuộc đời.

Giải pháp nào mở ra cơ hội học tập chuyên sâu và mở rộng cho tất cả học sinh có khả năng?

Bài toán đặt ra cho những người làm giáo dục: Có thể tạo ra một không gian cho phép nhiều người học dù ở bất kỳ đâu kể cả những vùng xa xôi hẻo lánh lựa chọn quyền được tự do học tập, tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực yêu thích và phát triển năng lực của mình. Không gian đó tạo ra những cơ hội được học với những thầy cô và cả những chuyên gia giỏi nhất, được tham gia những hoạt động mở rộng nâng cao trong lĩnh vực chuyên biệt của mình và được ghi nhận từng mức độ bằng các bài thi chuẩn hóa minh bạch hay không? Những người xuất sắc chuyên sâu trong cùng 1 lĩnh vực có thể giao lưu học hỏi, cạnh tranh lành mạnh với nhau để cùng tìm tòi khám phá vươn lên dù ở bất kỳ đâu hay không? Những điều đó hoàn toàn CÓ THỂ.

Cách đây 13 năm, một nhóm bạn trẻ đã mang những bài giảng của những thầy cô giỏi nhất đến với những học sinh giỏi ở vùng biên giới Lai Châu hay hải đảo xa xôi, mang ước mơ được vào những đại học hàng đầu trở thành hiện thực đến với những học sinh vốn không hề có điều kiện để đến các lớp luyện thi ròng rã hàng năm trời trước khi thi với “truongtructuyen” thì tại sao giờ đây, Internet đã phát triển đến tốc độ 5G mà chúng ta lại không tạo ra được giải pháp cho hiện trạng đó?

Và chúng ta cũng không phải đi phát minh ra cái bánh xe mới hoàn toàn, có những mô hình trên thế giới để học hỏi. Thế giới biết đến nước Mỹ là cục nam châm thu hút các nhân tài. Nền giáo dục của họ có những bài thi chuẩn hóa toàn cầu như SAT, ACT hay chương trình và bài thi AP (Advanced Placement) – tạo nên những mục tiêu cho người học ở khắp nơi trên thế giới hướng tới và tìm cách để thực hiện, tiếp cận với nó dù họ ở bất kỳ đâu, học xuất phát từ bất kỳ chương trình phổ thông bản địa nào. Ngay hệ thống chương trình của Mỹ cũng có số lượng lớn các môn học (subject), tín chỉ (credit) khác nhau và nhiều mức độ để lựa chọn (credit thường, honor hay AP) tùy khả năng của người học dù họ có ở bất kỳ đâu trên nước Mỹ hay bất kỳ đâu trên thế giới. Đặc biệt, khi mà ngày nay Internet và E-learning phát triển ở mức độ cao, với nội dung không thua kém gì những khoá học trực tiếp trên lớp, thậm chí mở rộng hơn ở rất nhiều hướng và nhiều nguồn học liệu, tài nguyên khác nhau.

Học tập trực tuyến E-learning đã không còn xa lạ với học sinh Wellspring


Về nội dung, chắc chắn E-learning (học trực tuyến) hay Blended learning (học tập hỗn hợp) là những giải pháp tích hợp được phần lớn và nhiều hơn rất nhiều các tính năng của trường chuyên truyền thống. Tuy nhiên, giáo dục nói chung và đào tạo tài năng chuyên sâu nói riêng còn cần nhiều hơn thế, đó là tư duy mở không ngừng sáng tạo của những người quản lý điều hành chương trình và một môi trường cho phép tự do trải nghiệm. Việc này sẽ được làm rõ hơn ở những bài sau.

Từ góc nhìn của một phụ huynh

Không chỉ đứng trên góc nhìn của một người sáng lập, tạo dựng và điều hành một mô hình giáo dục mới, tôi cũng nhìn nhận cả từ quan điểm của một phụ huynh.

Con gái tôi là học sinh số ID 01 khóa đầu tiên tại ngôi trường do chính tôi khởi tạo cách đây 10 năm. Vì là khóa đầu tiên nên còn rất nhiều cái nhìn e ngại nghi ngờ từ tất cả mọi người, kể cả những người anh, người chị hay các chuyên gia đã hỗ trợ trong quá trình tạo dựng ngôi trường và những giá trị tôi theo đuổi. Con có năng lực học rất tốt và hoàn toàn tự lập, không tham gia bất kỳ một lớp học thêm học thuật nào. Khi con chuẩn bị lên bậc THPT, các anh chị đi trước – vốn toàn những người thuộc giới “tinh hoa” đang là lãnh đạo những tổ chức lớn, có con đang học ở những trường chuyên hàng đầu của Hà Nội khuyên tôi nên cho con thi vào các trường như Hà Nội – Amsterdam để con được cọ sát với 1 sân chơi lớn, với những người giỏi hơn, để con được “rèn luyện” trong môi trường tinh hoa, để con có hồ sơ đẹp khi ứng tuyển vào đại học top… Ở một trường song ngữ quốc tế mô hình mới như trường tôi, con sẽ có rất ít bạn học giỏi xuất sắc (vì lứa của con là khóa đầu), không có môi trường cạnh tranh phấn đấu… Nhưng tôi đã từ chối vì tôi tin tưởng ở những gì mình kiến tạo cho ngôi trường ấy, cho những chương trình và chuẩn khảo thí quốc tế đã lên lộ trình và bền bỉ áp dụng. Và quan trọng hơn hết là ở đây, con sẽ được học những kỹ năng và năng lực thực chất ngay trong ngày học tại trường, có thể chủ động lên kế hoạch các hoạt động có ý nghĩa thực chất khác (chứ không phải chỉ như một quan sát viên hoặc theo công nghệ làm giàu hồ sơ), có thể tự lựa chọn những gì mình muốn học và đam mê theo năng lực. Con sẽ không bị áp đặt bởi các khuôn khổ công thức cứng nhắc trong suốt phần lớn thời gian tại trường,để rồi vùi mình chừng đó thời gian sau giờ học cho đến tối khuya và cả cuối tuần tại các trung tâm luyện thi (trớ trêu thay là đối với học sinh trường chuyên sau khi kiệt sức để chạy đua có được cái mác trường chuyên thì lại không học được gì nhiều ở trường mà hầu hết những kỹ năng cần thiết để tiến bước xa hơn ở bậc học đại top đầu quốc tế đều phải trải qua các Trung tâm ở bên ngoài: từ luyện thi, luyện các kỹ năng đến hoạt động ngoại khóa bổ trợ để đưa vào hồ sơ theo “công nghệ làm đẹp hồ sơ ứng tuyển” ….). Và giờ đây, tất cả những niềm tin và nỗ lực tôi đặt vào ngôi trường của mình đã dần đơm hoa kết trái. Các con trở thành những người trưởng thành, có tư duy độc lập và tự lựa chọn, tự thực hiện những ước mơ trên chính đôi chân của mình và sánh vai với các sinh viên xuất sắc trên toàn thế giới, Các con vào những trường đại học trong top 50 - 100 của thế giới một cách tự thân, cạnh tranh bình đằng, không qua các “công nghệ nhào nặn”, tự tin vì đó chính là thực lực của con, do con tự nỗ lực tìm hiểu, lựa chọn, lên kế hoạch và thực hiện.

Sau cùng, đâu thực sự là thước đo năng lực và mục tiêu đào tạo hướng tới?

Những ngày này vấn đề trường chuyên và những công nghệ nhào nặn xung quanh nó trở nên đề tài tranh cãi nảy lửa hơn bao giờ hết. Nhưng dường như đề tài này chỉ sôi nổi ở ngoài Bắc mà không phải là một đề tài được quan tâm nhiều ở miền Nam dù TP HCM cũng có một loạt trường chuyên như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa… TẠI SAO?

Theo tôi trước tiên vì người miền Nam thực tế hơn, quan tâm nhiều đến hiệu quả thực sự đạt được thay vì chạy theo ”chuẩn đám đông”. mà tập trung  theo tiêu chuẩn đã và đang thay đổi mạnh mẽ của thị trường việc làm. Họ không tranh cãi quá nhiều vào những cái hiện tại rất khó thay đổi mang tính hệ thống. Thay vào đó, họ lựa chọn những tiêu chí khác đáp ứng được nhu cầu thực tế và thực chất của họ hơn. Môi trường chuyên – chọn sẽ vẫn là lựa chọn của một số người, nhưng bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng có thể có nhiều lựa chọn khác phù hợp hơn, tối ưu hơn, thực chất hơn với con em mình. Chính vì đi vào thực chất, nên đối với người miền Nam, nơi mà lĩnh vực kinh tế tư nhân từ lâu đã lên ngôi, thì thước đo năng lực của các sinh viên ra trường không nằm ở hồ sơ đẹp, tốt nghiệp trường Đại học công lập xịn mà là năng lực thực sự của họ dù học tốt nghiệp ở bất kỳ trường đại học nào ra. Thị trường việc làm Khối tư nhân rất công bằng và thực chất, nó sẽ đưa ra tiêu chuẩn năng lực cho người được tuyển dụng và định hướng lại việc đào tạo lấy năng lực thực thụ thay vì tiếng tăm hào nhoáng hay lý thuyết xa vời. Và tôi tin tưởng chắc chắn rằng người miền Bắc dù Khối kinh tế tư nhân phát triển muộn hơn miền Nam 5 - 7 năm nhưng các bậc cha mẹ rồi cũng sẽ dần thay đổi định nghĩa và lựa chọn của mình. Lúc đó, một nền giáo dục có ý nghĩa và giá trị đào tạo thực lực, thực học, thực nghiệp từ nội dung đến kỹ năng và đặc biệt là năng lực tư duy, chủ động làm việc sẽ tìm về đúng giá trị. Là một người đang hàng ngày hàng giờ đối mặt với những “đấu tranh nội tâm trong việc lựa chọn của các bậc cha mẹ”, tôi nhất định sẽ góp phần để họ hiểu và chọn lựa những giá trị thực chất cho tương lai của chính các con mình, thay vì dùng thước đo như định kiến truyền thống áp đặt của quá khứ. Bởi vì chỉ có được tự do lựa chọn, TỰ DO HỌC TẬP con người mới có thể TỰ DO BAY XA TRÊN CHÍNH ĐÔI CÁNH CỦA MÌNH

Thạc sĩ Lê Tuệ Minh – Tổng Hiệu trưởng Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội