Loading...

WISHers phát triển tư duy sáng tạo qua những tiết văn học

Thông qua các hoạt động học tập của môn Ngữ Văn, học sinh Wellspring không chỉ đắm mình trong những dòng cảm xúc khác nhau từ các tác phẩm văn học, WISHers còn được rèn luyện và phát triển năng lực ngôn ngữ, tư duy sáng tạo để từ đó nâng cao nhận thức cùng hành động tích cực. Đây là những mục tiêu quan trọng mà thầy - trò Nhà trường luôn hướng tới trong mỗi tiết Văn học.


Tư duy sáng tạo cùng các “Công thức”,  “Sơ đồ” khi học Văn

 

Một trong những đáp án cho câu hỏi “Làm thế nào để học sinh luôn cảm thấy hứng thú khi học Văn?”, đó chính là việc học sinh cần được khơi dậy tính chủ động tư duy các vấn đề của bài học. Cô Đặng Hà - Tổ trưởng tổ Văn trường THCS Wellspring chia sẻ: “Giáo viên cần thiết kế các hoạt động dạy - học từ góc nhìn của học sinh. Học sinh không thích nghe nhiều, không thích bị áp đặt nhưng lại thích và dễ dàng tiếp thu kiến thức nếu học sinh được  tự mình tìm hiểu kiến thức qua các nhiệm vụ từ dễ đến khó, được bày tỏ quan điểm và được nhận xét -  đánh giá”.

Ở Wellspring, các WISHers được thầy cô hướng dẫn những cách học văn thú vị hướng đến sự phát triển tư duy (tư duy mở, tư duy logic và tư duy sáng tạo) thay vì học thuộc những bài văn mẫu. Các phương pháp dạy học được thầy cô sử dụng như: Học văn theo “sơ đồ”, sáng tác truyện theo “công thức”... 

Một tiết học văn tự sự (kể chuyện) của WISHers khối 6, các bạn hoàn toàn chủ động lên ý tưởng cho câu chuyện của mình theo công thức 5W+1H (Who, What, When, Where, Why + How). Từ đó, WISHers sắp xếp các tình tiết của câu chuyện sao cho hợp lý bằng cách sử dụng Sơ đồ quả núi. Giống như quá trình leo núi, học sinh sẽ kể sự việc mở đầu câu chuyện ở chân núi, làm câu chuyện phát triển ở lưng núi, đẩy câu chuyện đến cao trào (thắt nút-mở nút) ở đỉnh núi và tạo cho truyện một cái kết hợp lí ở chân núi.
 Sản phẩm học tập của WISHers


Hay đối với khối 8-9, khi học cách tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội, các WISHers được làm quen và ứng dụng mô hình bánh O-R-E-O. Các bạn học sinh sẽ bắt đầu bằng việc khẳng định quan điểm của mình về vấn đề (O - OPINION ), làm sáng tỏ quan điểm bằng hai lý do (R - REASON), tiếp tục đưa ra dẫn chứng để chứng minh vấn đề (E - EXAMPLE ), và cuối cùng khẳng định lại hoặc nâng cao quan điểm (O - OPINION). Với công thức bánh O-R-E-O sẽ giúp WISHers làm đoạn văn nghị luận xã hội một cách khoa học cũng như đảm bảo các luận điểm. 

WISHers được tôn trọng khi chia sẻ quan điểm, rèn luyện tư duy phản biện
 

Một điểm nổi bật ở môi trường giáo dục Wellspring, không chỉ với môn Ngữ văn, trong các môn học, WISHers được thẳng thắn nêu ra quan điểm của mình về một vấn đề. Chính vì vậy, dạy học tư duy phản biện được thầy cô sử dụng linh hoạt. Với lớp 6, khi học truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, các WISHers cùng nhau thảo luận: Vua Hùng có thực sự công bằng khi đưa ra các điều kiện về lễ vật cho Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng tranh tài?  Hay với lớp 9, trong Chuyện người con gái Nam Xương, học sinh sẽ cùng tranh biện về ý kiến: Vũ Nương nhảy sông tự tử là một việc làm thể hiện sự ích kỷ, chỉ nghĩ đến danh dự của mình mà không thương đến chồng con bơ vơ nơi dương thế. Các WISHers được tham gia các buổi tranh biện quy mô nhỏ trong các tiết học, hoặc thoải mái trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trong các bài kiểm tra, bài thi. Nhiều bạn học sinh có những chia sẻ rất tích cực khi được thử sức mình với những hoạt động đánh giá như vậy. “Con rất thích được tranh biện khi học Văn. Với con đó là những giờ phút đầy nghiêm túc, phải suy nghĩ nhiều nhưng cũng rất vui.” (WISHer Đình Thiên - 6AD1)

WISHers tham gia hoạt động tranh biện trong tiết Ngữ Văn

Học văn để yêu và trân trọng cuộc sống nhiều hơn.

Cuối cùng, không kém phần quan trọng, đó là khi học về bất cứ nội dung nào, thầy cô giáo đều cố gắng “để văn chương đến gần hơn với cuộc sống hiện tại của chính các bạn học sinh” bằng cách gợi ý để các bạn tìm ra mối liên hệ, rút ra bài học, để thực sự thấu cảm và hành động tốt hơn. 



WISHers hào hứng chủ động tham gia các hoạt động học tập

Đối với các WISHers lớp 9, khi học về Chuyện người con gái Nam Xương, các bạn sẽ cùng thảo luận để tìm ra giải pháp xem: Làm thế nào để không còn những Vũ Nương hay những Trương Sinh ở thời hiện đại? Làm sao để cuộc sống bớt đi những hiểu lầm, những bất công ngay cả trong gia đình, trường lớp? Hay khi học văn bản nhật dụng Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ, phát triển của trẻ em, các WISHers sẽ cùng đưa ra những cách thức khác nhau để cha mẹ lắng nghe con nói nhiều hơn, hiểu con hơn? Từ đó, các bạn đều thấy rằng việc học Văn không chỉ dừng lại trong những trang sách, mà đó còn khiến chúng ta suy nghĩ nhiều hơn, nghiêm túc hơn về các vấn đề của cuộc sống thường ngày.
 
Đó mới chỉ một số bật mí nho nhỏ về cách dạy và học môn Văn của trường THCS Wellspring. Cùng theo dõi những bài viết tiếp theo để cảm nhận các hoạt động học tập thú vị của WISHers Wellspring.
 

Cô Thu Hương – GV Ngữ văn – Trường THCS Wellspring