Loading...

Hội thảo giáo dục PEN 2020 giúp tôi nhận ra mình đang đứng ở đâu và đích cần hướng đến trong công việc dạy học (Phần 1)

PEN 2020 với những cách tiếp cận, phương pháp dạy học hiện đại trên thế giới hiện nay. Khóa học PEN 2020 thực sự đem lại cho tôi nhiều cách nhìn mới trong việc giảng dạy và giáo dục học sinh. Những nội dung không phải quá mới mẻ, bởi tôi đã được nghe, được đọc đâu đó. Nhưng qua khóa học giúp tôi xâu chuỗi kiến thức một cách khoa học, nhìn thấu đáo các vấn đề giáo dục và có thêm niềm tin để áp dụng các quan điểm, phương pháp giáo dục mới vào chính công việc của mình.

“DEEP LEARNING” - ấn tượng về một phương pháp học hiệu quả


Chủ đề Học sâu (Deep Learning) do ​TS. Nguyễn Chí Hiếu - Tiến sĩ Đại học Stanford, CEO & Sáng lập IEG Foundation dẫn dắt trong Hội thảo PEN 2020

Một trong những nội dung tôi tâm đắc nhất là “DEEP LEARNING”. Quan điểm cốt lõi trong “DEEP LEARNING” là: khả năng chinh phục kiến thức học thuật bằng cách áp dụng kỹ năng tư duy bậc cao, bao gồm tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, hợp tác, giao tiếp, học cách học và phát triển tư duy học thuật”. Đồng thời DEEP LEARNING chú trọng đến khả năng áp dụng các kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Đầu tiên, trong mô hình học sâu, câu hỏi đặt ra trước mỗi tiết học của người giáo viên không phải là “Chúng ta sẽ dạy gì và khi nào chúng ta dạy nó”. Mà là: “Học xong nội dung của chương trình hoặc giáo án này, học sinh có thể dùng nó để làm gì (ngoài làm bài thi)?”. Điều đó nhấn mạnh với người giáo viên trước mỗi bài giảng về tính ứng dụng của các kiến thức mình dạy với thực tế cuộc sống và với bản thân học sinh. Hơn thế nữa, nó kích thích sự hào hứng tìm tòi của học sinh và giúp học sinh biết cách giải quyết các tình huống thực tế.

Thứ hai, mô hình học sâu cũng chú trọng đến việc xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa người học với người học, giáo viên, gia đình và mối quan hệ bên ngoài. Để phát triển kỹ năng và tư duy cho học sinh không phải chỉ là mối quan hệ truyền thụ, áp đặt kiến thức của người thầy với trò. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, tri thức tăng theo cấp số nhân mỗi ngày thì việc học tại nhà trường là không đủ, các thầy cô không thể có đủ tri thức để trả lời tất cả những câu hỏi của học sinh. Vì vậy việc xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ xã hội phục vụ cho việc giáo dục học sinh là yêu cầu cần thiết. Qua đó các con có thể học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau trong mối quan hệ đó, phát triển khả năng tự học của học sinh. Đồng thời, điều đó giúp cho việc dạy học được cá nhân hóa theo sở thích, tính cách, khả năng của từng học sinh. Ví dụ đơn cử như việc xây dựng kỹ năng phòng chống hỏa hoạn, học sinh có thể tìm đến các chuyên gia khác nhau để tìm cách giải quyết các vấn đề thực tế: cảnh sát phòng cháy chữa cháy với các kỹ năng thoát nạn, bác sĩ với các biện pháp cấp cứu khi bị bỏng hay bị ngạt khói, các chuyên gia hóa học khi tìm hiểu về chất hóa học trong bình chữa cháy; các chuyên gia vật lý để tìm hiểu về các vật liệu chống cháy nổ; các kiến trúc sư để tìm hiểu các cách thiết kế hệ thống thoát hiểm...

Thứ ba, mô hình học sâu tập trung phát triển tư duy bậc cao ở người học. Chắc hẳn, chúng ta đã quá quen thuộc với thang đo nhận thức Bloom, với 6 cấp độ nhận thức khác nhau: Nhớ, Hiểu, Vận dụng, Phân tích, Đánh giá và Sáng tạo. Tuy nhiên, Deep learning cho chúng ta thấy trong mỗi cấp độ nhận thức đều có các tầng bậc từ thấp đến cao dựa trên khả năng áp dụng các kiến thức đó của người học. Và ở đây mô hình học sâu chia nhận thức thành 4 khu vực: A- Thu thập; B - Vận dụng; C - Thấu hiểu; D - Điều chỉnh. Để việc học thực sự có ý nghĩa đối với học sinh, dạy học cần hướng đến khu vực nhận thức C và D. Nghĩa là học sinh cần phát triển khả năng tự phân tích, giải quyết và kiến tạo các giải pháp cho các vấn đề thực tế trong quá trình học tập. Do đó, phương pháp giảng dạy cũng cần thay đổi để kích thích các tư duy bậc cao cho học sinh. Việc hiểu được 4 vùng nhận thức này, giúp cho giáo viên xây dựng mục tiêu bài học rõ ràng, lựa chọn các phương pháp phù hợp, những thử thách giúp học sinh phát triển tầng bậc tư duy bậc cao cho học sinh. Bốn mức độ về mặt tư duy giúp nhà giáo dục có những định hướng cụ thể cho các dạng bài tập, các câu hỏi, các phương pháp giảng dạy phù hợp. 

Mô hình dạy học DEEP LEARNING - HỌC SÂU tập trung vào học tập qua việc áp dụng các tư duy bậc cao để giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ đó hình thành kiến thức và kỹ năng cho người học. Mô hình cũng khẳng định lại việc lấy học sinh làm trung tâm, cá nhân hóa học sinh dựa trên những nhu cầu, đặc điểm của từng đối tượng học sinh là việc cần thiết trong giáo dục hiện nay. Đồng thời, sự gắn kết các mối quan hệ xã hội quanh học sinh để tạo thành một mạng lưới trong giáo dục sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ việc học tập và phát triển các tư duy bậc cao của học sinh. 

Phát triển năng lực tò mò, khám phá là trách nhiệm của người giáo viên

Bản thân mỗi con người sinh ra đều có sự tò mò, mong muốn khám phá thế giới xung quanh. Biểu hiện của việc tò mò ở chỗ những đứa trẻ luôn đặt câu hỏi, trải nghiệm để tìm tòi và khám phá. Tuy nhiên, mô hình giáo dục truyền thống với việc truyền thụ và áp đặt kiến thức cho học sinh, khiến học sinh mất dần đi sự tò mò vốn có. 

Theo nhiều nghiên cứu, những đứa trẻ có năng lực tò mò phát triển sẽ có thành tích học tập cao hơn; trí nhớ tốt hơn; tư duy cởi mở và ít chỉ trích; suy nghĩ tích cực có hi vọng và mục đích. Điều đó khẳng định nền giáo dục giúp trẻ phát triển được tư duy tò mò sẽ giúp cho đứa trẻ hạnh phúc và có cơ hội thành công nhiều hơn trong tương lai. 

 

Để giúp cho học sinh kích hoạt tư duy tò mò, người giáo viên có thể tổ chức các hoạt động sau:

  • Để học sinh có cơ hội thoải mái đưa ra những câu hỏi của bản thân.

  • Các hoạt động khám phá, chơi không tổ chức

  • Thể hiện sự tò mò của chính bản thân người giáo viên

  • Tìm hiểu học trò thích khám phá gì? Kết nối những kiến thức buồn chán với điều đó.

  • Đưa ra nhiều các tình huống “Thế thì, nếu như…”

  • Thực hiện những dự án “Tò mò” và “thử thách”

Đồng thời các hoạt động giảng dạy cũng cần dựa trên nguyên lý của 3 loại tư duy đặc trưng của con người:

  • Tư duy phân nhánh

  • Tư duy hội tụ

  • Siêu nhận thức

Sự sáng tạo đích thực, theo nghiên cứu chỉ ra, “đòi hỏi phải có sự dịch chuyển qua lại và kết hợp hai loại tư duy phân nhánh và hội tụ, để tổng hợp những thông tin mới với những thông tin cũ”. Những người sáng tạo cao rất giỏi vận dụng bộ não của mình để di chuyển qua lại một cách rất linh hoạt giữa hai loại tư duy này. Trong trường học, một chương trình học thúc đẩy sự sáng tạo, đột phá thường là sự kết hợp của tư duy phân nhánh TỐI ĐA, LIÊN TỤC và những ĐỢT tư duy hội tụ MẠNH và kết thúc bằng tư duy siêu nhận thức. Điều này có thể diễn ra trong một tiết học, một chùm bài hoặc một dự án, một học kỳ.

Với từng loại tư duy, chúng ta có thể triển khai các hoạt động giảng dạy phù hợp với học sinh. 

((Chia sẻ của cô Lê Phương Thảo, dạy môn Kỹ năng sống – trường Trung học Wellspring)